Đặt vấn đề

Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng  khoa học và công nghệ, đặc biệt  của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Trong đó, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), khoa học và công nghệ (KH&CN) và thông tin - thư viện (TTTV), đã chịu sự chi phối mạnh mẽ và những ảnh hưởng hết sức sâu sắc từ các thành tựu của ICT. Có thể nói sự phát triển nhanh chóng của ICT đã tạo tiền đề và những điều kiện quan trọng giúp các thư viện ứng dụng các thành tựu của ICT để tiến hành nhiệm vụ chuẩn hóa, hiện đại hóa, phát triển thư viện số/thư viện điện tử, thực hiện liên thông, hội nhập trong nước và quốc tế, đáp ứng với nhu cầu cao về cung cấp thông tin mà xã hội thông tin - nền kinh tế tri thức đặt ra. Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra những thách thức lớn cho hoạt động TTTV. Sự phát triển mạnh mẽ của ICT là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bùng nổ thông tin ở những thập niên cuối thế kỷ XX, sự gia tăng đột biến của nguồn thông tin dạng số - loại nguồn tin có rất nhiều ưu thế trong khả năng chia sẻ, lưu giữ, truyền - trao đổi thông tin  kéo theo sự ra đời của các công nghệ mới với sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông, Internet phát triển mạnh mẽ,  đã ngày càng thu hút đông đảo một lượng lớn NDT sử dụng. Sự phát triển của KH&CN đã làm cho nhu cầu thông tin trong lĩnh vực này ngày một cao hơn, đồng thời lại mang tính xã hội sâu sắc bởi số lượng người cần được cung cấp thông tin không ngừng gia tăng. Đây chính là những thách thức đặt ra cho các thư viện, cơ quan thông tin  cần phải có những thay đổi về quy trình, cách thức tổ chức, cung cấp  thông tin để định hướng và lôi cuốn bạn đọc sử dụng các SP&DV TT -TV, mà mục tiêu cần đạt tới đó là từ chỗ chỉ cung cấp thông tin một cách thụ động trước nhu cầu của NDT chuyển sang việc bảo đảm cung cấp thông tin một cách chủ động đến NDT.

Nhằm đáp ứng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Để đạt được mục tiêu trên, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao chất lượng đào tạo, Nghị quyết nêu rõ: “... Đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học; phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước”[3]

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang triển khai phương thức đào tạo theo  tín chỉ, một phương thức đào tạo linh hoạt và mềm dẻo nhằm tạo được sự chủ động tối đa đối với người học trong việc thực hiện việc học của mình cũng như trong việc tiếp cận, xử lý thông tin để thu nhận những tri thức cần thiết phục vụ cho học tập, nghiên cứu. Thực tiễn đổi mới phương thức đào tạo đã làm cho nhu cầu thông tin nói chung, trong đó có nhu cầu về nguồn học liệu, về nguồn thông tin khoa học ở người dạy và người học  ngày càng cao hơn, đầy đủ, đa dạng hơn; việc đáp ứng nhu cầu tin cần được cung cấp kịp thời, thuận lợi, linh hoạt và với chất lượng cao hơn. Do đó, đòi hỏi các trường đại học cần phải có một hệ thống TTTV phát triển theo xu hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cần có một hệ thống giáo trình, tài liệu, nguồn thông tin khoa học và hệ thống SP&DVTTTV đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ nhu cầu của người dạy, người học. Vì thế, các nghiên cứu về đổi mới hoạt động TTTV đáp ứng với những thách thức, yêu cầu mà KH&CN, GD&ĐT đặt ra tại các trường đại học lúc này  hết sức cần thiết, mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho các thư viện đại học hiện nay đó là vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống SP&DVTTTV nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của người dùng tin (NDT), đáp ứng yêu câu đào tạo theo học chế tín chỉ.

2. Khái lược về sản phẩm & dịch vụ thông tin - thư viện và hoạt động phát triển sản phẩm & dịch vụ thông tin thư viện ở một số trường đại học tiên tiến trên thế giới

2.1. Khái lược về sản phẩm & dịch vụ thông tin thư viện

SP&DV TTTV được nghiên cứu, khảo sát từ nhiều góc độ và quan điểm khác nhau. Chúng được những người làm công tác thông tin - thư viện chuyên nghiệp vừa nghiên cứu, khảo sát một cách đơn lẻ, tách biệt nhau, nhằm phân tích, so sánh, tìm ra bản chất và cách thức tạo lập, cải biến, sử dụng; đồng thời chúng lại được nghiên cứu trong mối quan hệ biện chứng, tương hỗ với nhau trong quá trình tạo lập và khai thác.

2.1.1. Sản phẩm thông tin - thư viện

SPTTTV là kết quả của quá trình xử lý thông tin do cá nhân/tập thể thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu của NDT. Quá trình lao động để tạo ra sản phẩm là quá trình xử lý thông tin bao gồm: phân loại, biên mục, định từ khóa, tóm tắt...cũng như quá trình phân tích, tổng hợp, đánh giá thông tin.

Trong quá trình tạo lập SPTTTV, yếu tố quan tâm hàng đâu đó là nắm bắt nhu cầu của người dùng tin về sản phẩm đó. Các cơ quan thông tin, Thư viện phải đặt ra câu hỏi: Sản phẩm xây dựng để làm gì? Cho ai sử dụng? Hiệu quả sử dụng? Muốn trả lời các câu hỏi đó cần phải tiến hành nghiên cứu nhu cầu tin, nhu cầu sử dụng các SP&DVTTTV của người dùng tin

2.1.2. Dịch vụ thông tin - thư viện

DVTTTV bao gồm những hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin và trao đổi thông tin của người sử dụng các cơ quan thông tin - thư viện nói chung.

* Một số đặc tính của DVTTTV:

+ Tính đồng thời:

Việc tạo ra các DVTT và cung cấp các dịch vụ ấy cho người dùng tin được diễn ra đồng thời.

+ Tính vô hình (intangibility)

DVTTTV không có hình hài rõ rệt, không thể hình dung trước khi nó bắt đầu, không thể lưu trữ như hàng hóa hay nhận diện được bằng giác quan. Chính vì vậy khi thực hiện marketing cho các dịch vụ thông tin, cần tạo cho NDT biết tiềm năng của nó bằng cách giới thiệu cho họ biết đến các dịch vụ đó.

+ Tính chất không đồng nhất (heterogeneity)

DVTTTV gắn với cá nhân, /tập thể cung cấp dịch vụ. Chất lượng của dịch vụ phụ thuộc chặt chẽ vào cá nhân, tập thể thực hiện dịch vụ, bên cạnh đó chất lượng của các dịch vụ thông tin - thư viện nhiều khi không đồng nhất, yêu cầu của người dùng tin cũng khác nhau, phong phú, đa dạng, thay đổi theo thời gian.

+ Tính không thể tách rời/chia cắt (inseparability)

Thông thường để thực hiện một dịch vụ, người cung cấp dịch vụ thường phải tiến hành một số bước hoặc một số thao tác đi liền với nhau, không thể tách rời nhau để thu được kết quả mà người sử dụng dịch vụ mong muốn.

 Ví dụ: trong dịch vụ tìm kiếm thông tin, để có thể cung cấp thông tin cần phải thực hiện một số thao tác như: Phân tích nhu cầu, xác định nguồn, thực hiện quá trình tìm, đánh giá và gửi kết quả tìm.

2.1.3. Hệ thống sản phẩm và dịch vu thông tin - thư viện

Hệ thống SP&DVTTTV bao gồn tất cả các phần tử có quan hệ ràng buộc, tương tác lẫn nhau mà các thư viện, các cơ quan thông tin cỏ thể cung cấp đến NDT nhằm đáp ủng nhu cầu tin của họ.

Hệ thống SP&DVTT - TV được tạo nên từ nhiều yểu tổ cấu thành, các yểu tổ này vừa đa dạng và luôn luôn biến đổi. Quan hệ giữa các yếu tố cấu thành rất chặt chẽ. Mỗi khi có một yểu tố nào đó của hệ thống thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của nhiều yếu tổ khác, trong không ít trường hợp có sự chuyển hóa hết sức linh hoạt giữa các yếu tố cấu thành. Vì thể, cơ quan TT - TV muốn hoạt động hiệu quả toàn diện cần nghiên cứu phát triển SP&DVTTTV dưới góc độ bao quát toàn hệ thống.

2.2. Hoạt động phát triển sản phẩm & dịch vụ thông tin thư viện ở một số trường đại học tiên tiến trên thế giới

Từ khoảng những năm 1980 trở lại đây, dưới tác động của ICT, hoạt động TTTV ở các trường đại học trên thế giới đã có những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Các thành tựu đó, đứng từ phía NDT, chính là sự xuất hiện liên tục các thế hệ SP&DV TTTV mới và phát triển theo hướng liên kết, tạo lập hệ thống, phục vụ tốt các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

+ LCONZ (Library Consortium of New Zealand) được thành lập năm 2004, liên kết thư viện của  4 trường đại học:

AUT University, Victoria University of Wellington,Universityof Waikato,University of Otago.

Mục tiêu của LCONZ là nhằm hợp tác trao đổi, phân phối nguồn lực thông tin và các loại hình dịch vụ thông tin với các trường đại học của New Zealand, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, cán bộ và các nhà nghiên cứu  các trường đại học của New Zealand  có thể truy cập, sử dụng nguồn tài liệu và các loại hình dịch vụ này.

+ Thư viện đầu mối HKALL ( Hong Kong Academic Library Link) là một dự án nhằm thúc đẩy hoạt động chia sẻ nguồn lực thông tin được thực hiện bởi sự liên kết của 8 thư viện của các trường đại học: Chinese University of Hong Kong, City University, Hong Kong Baptist University, Hong Kong Institute of Education, Hong Kong Polytechnic University, Hong Kong University of Science and Technology, Lingnan University, The University of Hong Kong. HKALL sử dụng chung một phần mềm thư viện điện tử cho các trường thành viên. HKALL là thư viện đầu mối cho phép tất cả sinh viên và cán bộ của 8 trường đại học tham gia sử dụng tài nguyên và chia sẻ nguồn lực tài liệu với hơn 5 triệu tài liệu chuyên khảo sẵn có . NDT có thể yêu cầu sử dụng trực tiếp hoặc mượn về nhà những tài liệu này, NDT có thể đến các thư viện thành viên để gửi yêu cầu sử dụng tài liệu hoặc tới quầy mượn trả để được thủ thư  hướng dẫn chi tiết. HKAL có đường liên kết chi tiết giúp bạn đọc tìm đến những thư viện thành viên. Mặc dù cách làm này nhiều nơi trên thế giới đã làm, tuy nhiên HKALL là thư viện đầu mối đầu tiên của Trung Quốc.

          + Tại Thư viện ĐH Harvard, mục lục HOLLIS là một bộ CSDL chứa đến trên 9 triệu biểu ghi, phản ánh trên 15 triệu tài liệu là sách, tạp chí, bản thảo tài liệu chính phủ, tài liệu nghe nhìn các loại như bản đồ, tài liệu vi dạng, bản ghi nhạc, ghi âm, tài liệu hình ảnh và các tệp dữ liệu. Các dữ liệu trong CSDL này được cập nhật liên tục. Để đáp ứng nhu cầu học và nghiên cứu, các thư viện ở đây đã liên kết với nhiều cơ quan tư liệu, thư viện khác tạo nên các mục lục khác có thể khai thác tại trường. Ngoài ra, để xác định được các nguồn thông tin số (e-resources) và các tạp chí dạng số (e-jourrnals) có thể tham vấn và tra cứu tại HOLLIS Catalog and E-Research at Harvard Libraries. Khi khai thác tính năng Harvard's Cross Catalog Search, bạn đọc sẽ được cung cấp các thức tìm kiếm phối hợp các loại mục lục hiện có tại Thư viện. Các chuyên gia thư viện sẽ trợ giúp người dùng các kỹ năng khai thác vầ tìm kiếm cụ thể.

+ Hệ thống quản lí giáo trình (Course Management System) đã sớm xây dựng và phổ biến trên website của EduTools và sau đó tại rất nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đây là một trang web được thiết lập định hướng đến người dùng, lấy nhu cầu của người dùng làm triết lí phát triển của mình. EduTools đã nỗ lực phát triển đề trở thành một trang web tốt nhất giúp tìm kiếm và chia sẻ thông tin về hệ thống quản lí giáo trình và các sản phẩm khác. Hướng phát triển trang web của EduTools luôn tập trung vào việc việc duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp, các sản phẩm thông tin có liên quan để không ngừng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao, trong  môi trường đào tạo liên tục biến đổi với nhịp độ cao. Tại Singapore, EduTools đã hỗ trợ sinh viên, giáo viên và các bậc phụ huynh liên kết được với nhau để phối hợp với nhau nhằm hướng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để thực hiện được một cách tốt nhất việc học tập và nghiên cứu tại trường đại học (http://www.edutools.sg/).

EduTools là một công cụ rất dễ sử dụng, có thể phù hợp với mọi đối tượng/mục đích sử dụng, cho phép người dùng có thể thu thập, lựa chọn, phân tích và xác định tầm quan trọng của thông tin liên quan tới các sản phảm và dịch vụ phục vụ việc học, phản ánh chính sách về e-learing. Mục đích của EduTools là hỗ trợ đối với cộng đồng những người làm công tác giáo dục đại học đưa ra được các quyết định thích hợp dựa trên thông tin về các lĩnh vực:

- Hệ thống quản lí giáo trình (Course Management System);

- Các dịch vụ sinh viên (Students Services);

- Chính sách đối với e-learning (E-learning Policies).

EduTools đã phát triển nhiều sản phẩm quan trọng hướng đến việc hỗ trợ và phát triển các nguồn học liệu và dịch vụ trên đó. Ví dụ, hệ thống cung cấp dịch vụ mang tên Blackboad Learning System với các chức năng:

Cung cấp các công cụ tạo sản phẩm (bao gồm các sản phẩm cụ thể: Làm bookmark, biểu đồ thời gian, Tìm kiếm giáo trình, Công cụm tích hợp các nội dung giáo trình/tải các nguồn thông tin giáo trình, Hướng dẫn và trợ giúp…)

Cung cấp các công cụ dành cho sinh viên với các sản phẩm cụ thể: Làm việc theo nhóm, Kết nối mạng giữa những NDT, Hồ sơ sinh viên.

Cung cấp các công cụ quản lí với các sản phẩm cụ thể: Xác nhận tư cách NDT, Xác nhận quyền sở hữu của giáo trình, Đăng kí tích hợp, Các dịch vụ của máy chủ.

Cung cấp các công cụ cung cấp giáo trình với các sản phẩm cụ thể: Các hình thức/phương thức tiến hành kiểm tra/thi, Quản lí kiểm tra tự động hoá, Hỗ trợ kiểm tra tự động, Chấm điểm trực tuyến, Phân hạng sách trực tuyến, Quản lí giáo trình, Tìm kiếm các đữ liệu về việc sử dụng giáo trình của sinh viên.

Cung cấp các công cụ phát triển nội dung thông tin với các sản phẩm cụ thể: Kiểm soát mức độ; Chia sẻ nội dung thông tin; Giáo trình hiện được sử dụng; Công cụ thiết kế giáo diện người dùng; Các chuẩn được sử dụng.

+ Tại Trường đại học thuộc Bang East Tennessee (ETSU), việc xuất bản các LA/LV dưới dạng điện tử (Electronic Theses and Dissertation - ETD) đã được thực hiện từ năm 1999. Graduat School (một đối tác hợp tác của ETSU) đã coi việc tạo lập nên các ấn phẩm điện tử như là một phương pháp để giảm bớt về thời gian và chi phí đối với sinh viên trong việc xử lí tài liệu và nâng cao hiệu quả khai thác các kết quả nghiên cứu. Thư viện Sherrod (cũng là một đối tác hợp tác của ETSU) xem việc liên kết này như một cơ hội để tích hợp việc truy cập đến các LA/LV của ETSU cả dưới dạng in và dạng số, thu nhận những kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lí các bộ sưu tập thư viện số và giảm được chi phí liên quan tới các quá trình lưu giữ, xử lí (biên mục) và cung cấp dịch vụ mượn giữa các thư viện đối với nguồn tài liệu này. Sau thời gian triển khai thí điểm vào năm 2000, việc xây dựng và phát triển nguồn tin là các ETD đã trở thành một nội dung hoạt động ổn định, mang tính pháp lí tại ETSU từ năm 2001. Liên quan tới việc tạo lập nguồn thông tin các ETD, đầu tiên cần nhắc đến Networked Digital Library of Thesis and Disertation (NDLTD). Đây là một tổ chức quốc tế có mục đích hỗ trợ việc tiếp nhận, tạo lập, sử dụng, phổ biến và bảo quản nguồn ETD được hình thành trên cơ sở các tài liệu gốc dạng in trên thế giới. Hiện tại, NDLTD có 74 thành viên là các trường đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan xuất bản; 3 thành viên là các consortium.

+ Ngay tại website của Virginia Tech, tất cả các LA/LV của trường đã được quản lí thông qua các CSDL và đối với các LA/LV từ năm 1997 đến nay, có thể truy cập toàn văn dưới dạng tệp PDF (có điều lưu ý là nhiều trong số các tài liệu này chỉ có thể truy cập ngay tại trường). Cũng tại thư viện của trường, người ta đã xây dựng một OPAC tóm tắt các LA/LV bao gồm khoảng trên 2 triệu biểu ghi, các LA/LV được phản ánh trong OPAC này là được thu thập từ Mỹ, Canada, Anh và một số nước Châu Âu khác. Đa số các biểu ghi này hồi cố đến 1988. Để có thể có được toàn văn các LA/LV, người đọc cần sử dụng dịch vụ mượn giữa các thư viện (ILL), một dịch vụ đang được triển khai tại Virginia Tech.cũng như tại những trường đại học có các LA/LV được phản ánh trong OPAC này. Bên cạnh đó, hệ thống các giáo trình được tổ chức trên một giao diện để có thể truy cập theo các phương thức tìm theo khoátìm theo trình duyệt danh mục các ngành/môn học.

+  Hệ thống TTTV đại học Trung Quốc (CALIS) [8] bắt đầu hoạt động từ năm 1998, và là một hệ thống chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện đại học trên phạm vi toàn Trung Quốc. Như một Tiểu dự án của Dự án 211 [4], nhiệm vụ của nó là phục vụ trực tiếp các trường đại học – những trường được Chính phủ trung ương bảo đảm ngân sách hoạt động cho Dự án, bằng việc cung cấp tài liệu và các dịch vụ thông tin đến người dùng tin qua mạng nghiên cứu và giáo dục Trung Quốc (CERNET) [9]. Cũng trong thời gian này, CALIS cũng tham gia phục vụ người dùng tin trong hệ thống các trường đại học và cao đẳng khác nếu như người dùng tin có kết nối đến CERNET. Chính vì thế, CALIS và CERNET được biết đến như 2 hệ thống dịch vụ thông tin của quốc gia trực tiếp phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đào tạo khoa học ở quốc gia này. CALIS đang sở hữu một hệ thống các CSDL, bao gồm:

- Mục lục liên hợp sách và tạp chí: 150 thành viên đóng góp 1, 4 triệu tên với trên 3 triệu đơn vị lưu trữ.

- Nội dung các tạp chí của Trung Quốc: 28 thành viên đóng góp trên 2 triệu tóm tắt bao quát trên 5.500 tên tạp chí.

- CSDL tóm tắt Luận án và Kỷ yếu Hội nghị khoa học của Trung Quốc: 85 thành viên đóng góp trên 70.000 tóm tắt.

- Các SDL tiếng Trung Quốc với các chuẩn thống nhất: 23 thành viên đóng góp 25 CSDL với khoảng 450.000 biểu ghi.

3. Thực trạng việc phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin trong hệ thống thư viện các trường đại học Việt Nam hiện nay

3.1. Đánh giá thực trạng

Trong hoạt động TTTV, công tác xây dựng, phát triển các SP&DV đóng vai trò quan trọng. SP&DVTTTV là một hệ thống động, luôn phát triển và biến đổi. Đây chính là kết quả của quá trình tổ chức, xử lý, bao gói thông tin, là cầu nối giữa các nguồn thông tin với NDT; công cụ kiểm soát nguồn tin, đồng thời là phương tiện, phương thức đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng các thư viện, cơ quan thông tin của NDT. Thông qua hệ thống các SP&DV, các cơ quan TTTV mới có thể khẳng định trình độ, hiệu quả hoạt động; vai trò cũng như vị trí của mình trong xã hội.

Thời gian qua, các thư viện đại học của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư  phát triển các SP&DV phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, dễ nhận thấy sự đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung và chất lượng các SP& DV TTTV còn hạn chế; hoạt động marketing chưa được đẩy mạnh  để đưa các các sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện thân thiện đến tay NDT, tạo thuận lợi cho họ có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi không phụ thuộc vào không gian, thời gian.. Đặc biệt, việc phát triển các SP&DV TTTV tại các trường đại học nước ta còn mang đậm tính chất tự phát, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ trong suốt quá trình tạo lập và khai thác để bảo đảm sự phát triển đó là bền vững và ổn định,  do vậy số lượng và chủng loại SP&DV còn khiêm tốn, chất lượng các SP&DV chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế, chưa tạo  được sức mạnh tập trung, đồng thời cũng chưa tiết kiệm được công sức và kinh phí đầu tư trong việc phát triển chúng. Có thể nói cho đến nay, vấn đề  phát triển SP& DV TTTV tại các trường đại học của nước ta  vẫn chưa được xem là một nội dung quan trọng.

Thực tế nêu trên dẫn tới các SP& DV TTTV tại các trường đại học mới chỉ được phát triển một cách rời rạc, thiếu tính liên kết hệ thống và khả năng tương hỗ với nhau. Để khắc phục những hạn chế trên, các SP&DV TTTV cần được tổ chức thành một hệ thống tương tác, liên kết với nhau trong phạm vi từng thư viện, cũng như  trong toàn hệ thống thư viện đại học nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị khai thác đối với NDT

3.2. Nguyên nhân

Thực trạng việc SP& DV TTTV tại các trường đại học mới chỉ được phát triển một cách rời rạc, thiếu tính liên kết hệ thống và khả năng tương hỗ với nhau, do đó  chưa tạo được sức mạnh tập trung trong quá trình tạo lập, khai thác và sử dụng như hiện nay,do những nguyên nhân cơ bản sau:

- Chưa có sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo thực hiện và đầu tư kinh phí của Nhà nước và lãnh đạo các cấp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động thư viện rất hạn hẹp và không ổn định, đây chính là khó khăn lớn nhất mà hầu hết các thư viện đang gặp phải;

- Chưa  có sự thống nhất cao, đồng bộ về chuyên môn và thực hiện áp dụng các chuẩn  nghiệp vụ thư viện trong công tác xử lý tài liệu để thực hiện liên thông, hội nhập;

- Không đảm bảo về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin do sự đầu tư thiếu đồng đều  giữa các thư viện,  sự đầu tư theo kiểu chắp vá thiếu đồng bộ;

- Đội ngũ cán bô có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có năng lực để tạo lập và phát triển SP&DV cũng như việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch marketing còn thiếu. Lĩnh vực thông tin thư viện hiện nay vẫn chưa hấp dẫn để thu hút cán bộ  có năng lực vào làm việc;

- Vấn đề đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy -  học hiện nay còn chưa mạnh mẽ, do đó chưa thúc đẩy việc tự học, tự nghiên cứu, làm cho  người dạy, người hoc chưa  nhận thúc được tầm quan trọng của thư viện. Do đó, chưa tạo ra động lực thúc đẩy các thư viện phát huy nguồn lực.

- Văn hóa hợp tác giữa các thư viện chưa cao, chưa xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế hợp tác, quy định về trách nhiệm, quyền lợi và mức độ tham gia các giao ước thỏa thuận.

4. Các giải pháp phát triển hệ thống sản phẩm & dịch vụ - thông tin thư viện

Để phát triển hệ thống SP&DVTTTV phục vụ tốt hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo phương thức tín chỉ, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

4.1. Nâng cao chất lượng các SP&DVTTTV hiện có

- Thư viện cần chú trọng hoàn thiện hơn mục lục trực tuyến OPAC trên cơ sở ứng dụng phần mềm quản lý thư viện điện tử. Tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng các CSDL, đặc biệt là CSDL toàn văn.Tăng cường cung cấp thông tin cho cổng thông tin, Website thư viện. Xây dựng các kênh phản hồi thông tin và tiếp nhận nhu cầu tin của NDT thông qua website của thư viện.

         - Nâng cao chất lượng các DVTTTV hiện có : dịch vụ cung cấp tài liệu theo yêu cấu; dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc; dịch vụ tìm tin; dịch vụ trao đổi thông tin; dịch vụ thư viện số; dịch vu mượn tài liêu; dịch vụ sao chép tài liệu; dịch vụ cung cấp tài liệu đa phương tiện

4.2.Đa dạng hoá các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện

- Tạo lập các sản phẩm thông tin - thư viện mới

Xây dựng thư mục theo chuyên đề; Xây dựng CSDL học liệu điện tử phục vụ 

E-learning; Biên soạn tạp chí tóm tắt...

- Phát triển dịch vụ thông tin - thư viện mới

 Dịch vụ mượn liên thư viện; Tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin theo chuyên đề; Dịch vụ dịch thuật tài liệu.

- Nâng cao nguồn lực thông tin và tăng cường cơ sở vật chất

        Nâng cao chất lượng và tăng cường nguồn lực thông tin của trung tâm; Nâng cao hiệu quả   đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc tạo lập, cung cấp các SP&DV TTTV.

4.3. Chuẩn hóa trong phát triển SP&DV thông tin - thư viện

Xây dựng và áp dụng các chuẩn xử lý thông tin; Xây dựng và áp dụng các chuẩn dịch vụ thông tin – thư viện ; Xây dựng và áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng SP&DVTTTV; Xây dựng quy trình thu nhận và xử lý thông tin phản hồi của NDT

4.4. Tăng cường phối hợp liên kết trong tổ chức, sử dụng và khai thác các SP&DV thông tin- thư viện

  Xây dựng và phát triển hệ thống CSDL thư mục trực tuyến; Tổ chức và triển khai dịch vụ mượn liên thư viện (ILL) dạng số; Phát triển nguồn học liệu mở; Phát triển và chia sẻ CSDL về luận án, luận văn; Đẩy mạnh marketing SP & DV thông tin-thư viện

4.5. Nâng cao trình độ cán bộ tổ chức sản phẩm & dịch vụ thông tin - thư viện và đào tạo người dùng tin

Nâng cao trình độ về các ngành, lĩnh vực khoa học phù hợp với nhiệm vụ phục vụ; Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ; Nâng cao kỹ năng tổ chức sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện Xây dựng kế hoạch marketing các sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện; Thực hiện tốt công tác đào tạo và trang bị kiến thức thông tin cho người dùng tin.

        4.6. Các giải pháp hỗ trợ

Tăng cường phát triển nguồn tài nguyên thông tin; Đảm bảo cơ sở vật chất và công nghệ; Đổi mới quản lý hoạt động thư viện đại học, xây dựng cơ chế chính sách về tạo lập và phát triển hệ thống SP&DV TTTV.

Kết luận

 Mục đích cần đạt tới của hệ thống SP&DVTTTV không chỉ là vấn đề quan tâm tới việc gia tăng số lượng và loại hình, mà hướng tới tạo lập các SP&DV hiện đại,có chất lượng đáp ứng các tiêu chuấn của ngành TTTV đặt ra. Hiệu quả của SP&DV được  đo bằng mức độ đầy đủ, chính xác, cập nhật và thích hợp của thông tin đáp ứng với nhu cầu thông tin của NDT. Các thư viện đại học hiện nay cần có hệ thống SP&DVTTV thân thiện, chất lượng và hiệu quả, cũng như  cần có những chính sách tích cực để quản lý và phát triển.  Việc nghiên cứu nhu cầu tin, tạo lập những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu NDT, là một công việc cần phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên và có kế hoạch, để đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hệ thống.

Các SP&DVTTTV cần được tổ chức thành một hệ thống tương tác, liên kết với nhau trong phạm vi từng thư viện và trong toàn hệ thống là xu thế tất yếu, nhằm khắc phục hạn chế của mỗi thư viện, phát huy sức mạnh tổng thể trong sự thống nhất tập trung. Chỉ có như thế mới hy vọng tạo lập được một hệ thống SP&DVTTTV có chất lượng cao, thân thiện với NDT và phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để có thể chủ động hòa nhập liên thông với các hệ thống  SP&DVTTTV trong nước và quốc tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TIẾNG VIỆT

[1]        Nguyễn Hữu Hùng (2008), “Một số vấn đề về chính sách phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin tại Việt Nam”, Tập san Thư viện, (số 2), tr.1 – 6

[2]        Kết luận số 51-KL/TW kết luận hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về đề án “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 29/10/2012.

[3]        Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản,toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 02/11/2005.

[4]        Viện nghiên cứu Trung Quốc (2010), Đổi mới mô hình đào tạo đại học và xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc,http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl= Article&aID=195

TIẾNG ANH

[5]        ACRL Research Planning and Review Committee, College & Research Libraries (2012) 2012 top ten trends in academic libraries: A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education, Newsvol. 73 no. 6 311-320.

[6]        Attis D. (2013), Redefining the Academic Library: Managing the Migration to Digital Information Services, Looking forward Re-Imagiming the Academic Library’s Role in Teaching, Learning & Research. Paper 1.

[7]        Budd J.M. (1998), The Academic Library: Its Context, Its Purpose, and Its Operation.- Englewood, Colorado: Libraries Unlimited, Inc. 1998. 372 p.

[8]        Website  http://www.calis.edu.cn

[9]        Website  http://www.cernet.edu.cn