Ngày 04/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(VHTTDL) tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ
VI. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tới dự, trao giải thưởng cho các tập
thể và cá nhân đạt giải. Tham dự buổi Lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương,
Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL; đại diện các Cục,
Vụ thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Thư
viện Việt Nam; một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao,
thư viện tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thư viện chuyên ngành, thư viện
đại học, các cơ sở đào tạo ngành thư viện - thông tin; các tập thể, cá nhân đạt
Giải thưởng và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Về phía Trường Đại học
Vinh, có ThS. Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung thâm Thông tin - Thư viện Nguyễn
Thúc Hào cùng tham dự.
Toàn cảnh buổi Lễ
Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc được tổ chức hàng năm nhằm
tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc trong
việc hình thành trí tuệ, nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh góp phần xây
dựng con người phát triển toàn diện; cải thiện môi trường đọc, tăng cường quảng
bá, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, không gian văn hóa, các thiết
chế có phục vụ đọc sách đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân; thu hút và tạo điều
kiện để tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đọc, lan tỏa giá trị từ việc
đọc đến cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững; xây dựng mối liên
kết chặt chẽ giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc huy động các nguồn
lực để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trong năm 2023, Bộ VHTTLD đã đã hướng dẫn việc xét tặng Giải
thưởng phát triển văn hóa đọc tới các bộ, ngành, địa phương và nhận được 78 hồ
sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 36 hồ sơ tập thể và
42 hồ sơ cá nhân. Ở đợt xét tặng này số lượng hồ sơ tăng hơn so với những năm
trước, nhiều tập thể, cá nhân được đề xuất xét tặng giải thưởng cũng đã tạo
lập, cung cấp được các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện đáp ứng nhu cầu
thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, đa dạng
đến các nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao; các hoạt động
khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội
sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho
người sử dụng; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt
động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp
cho người sử dụng; các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối
tượng người yếu thế là người khuyết tật, trẻ em - đặc biệt trẻ em mầm non,
người dân tộc, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo…
và tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể như người cao tuổi,
đoàn thanh niên, cựu giáo chức, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận
hành thư viện tại cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ghi
nhận và đánh giá cao tinh thần lao động, sáng tạo, cống hiến hết mình của các
tập thể, cá nhân đã luôn tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, xây dựng phong
trào đọc, phát triển văn hóa đọc tại địa phương, cơ quan, đóng góp cho sự
nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; đồng thời hy vọng mỗi tập thể, cá nhân được
vinh danh sẽ là những ngọn lửa cùng thắp sáng và lan tỏa tình yêu với văn hóa
đọc, để ý nghĩa Giải thưởng không chỉ dừng ở buổi Lễ hôm nay mà sẽ là động lực
khích lệ, động viên ngày càng nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân đồng hành,
chung tay góp sức phát triển văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng.
Thứ trưởng Trịnh Thị
Thủy phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ
Căn cứ vào Quy chế Giải thưởng và thành tích đạt được của các
tập thể và cá nhân, Hội đồng xét tặng Giải thưởng phát triển văn hóa đọc đã đề
xuất, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL trao tặng Giải thưởng cho 14 tập thể và 16 cá
nhân. Đây là những tập thể và cá nhân nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt
động phát triển văn hóa đọc với những đóng góp nỗ lực cho phát triển văn hóa
đọc trong cộng đồng, phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua
việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với
nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Bà
Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL và PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường
trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trao tặng Giải thưởng phát triển văn
hoá đọc lần thứ VI cho các tập thể
Bà
Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL và bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư
viện trao tặng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc lần thứ VI cho các cá nhân
Trong khuôn khổ buổi
Lễ Tổng kết và trao giải thưởng, Ban Tổ chức trưng bày, triển lãm một số hình
ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn
hóa đọc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL
Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu tham quan tham quan không gian trưng bày tại
sự kiện
Ngay sau buổi Lễ Trao giải, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ Phát động Cuộc
thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. Phát biểu tại Lễ phát động, bà Kiều Thúy
Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi là
một hoạt động triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm
2020, định hướng đến năm 2030” do Bộ VHTTDL phát động từ năm 2019. Cuộc thi đã
nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ
quan, đơn vị địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên,
học sinh khiếm thị, sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng các thầy,
cô giáo. Đặc biệt, Cuộc thi đã phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng của các em
học sinh, sinh viên chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả, về kế hoạch, giải
pháp, biện pháp khuyến đọc cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi và có ý nghĩa thực
tiễn cao.
Bà
Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 có sự đổi mới nhằm tạo thêm
nhiều cơ hội, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các thí sinh. Theo đó,
đối tượng tham gia thi sẽ được chia làm 02 nhóm: Nhóm học sinh tiểu học và
trung học cơ sở; Nhóm học sinh trung học phổ thông và sinh viên; Bộ đề thi được
thiết kế mới nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của từng nhóm thí
sinh; Bài dự thi trình bày bằng ngôn ngữ Tiếng Việt và sử dụng hình thức viết
hoặc dựng video, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau Lễ phát động, Cuộc thi sẽ chính thức diễn ra. Các đơn vị thư
viện tự tổ chức Vòng Sơ khảo bắt đầu từ tháng 4/2024; lựa chọn các bài dự thi
xuất sắc nhất gửi về Ban Tổ chức vào tháng 7/2024 để chấm xét giải Vòng Chung
kết Cuộc thi. Tháng 10/2024 sẽ diễn ra Vòng Chung kết toàn quốc và Lễ tổng kết
Cuộc thi sẽ được tổ chức tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ban Tổ chức đề
nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đơn vị đồng hành có kế hoạch tổ chức Vòng
Sơ khảo cụ thể, hiệu quả, triển khai đúng tiến độ và chất lượng đã đề ra (Bài
viết có sử dụng thông tin và hình ảnh từ https://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn).
ThS. Nguyễn Đức Bình,
Giám đốc Thư viện Nguyễn Thúc Hào chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ
tịch Hội Thư viện Việt Nam tại buổi Lễ
(Đức Bình - Thư viện NTH)