Người phương Đông có câu: “Thư trung hữu ngọc”, tức là trong sách có ngọc quý. Quả vậy, những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt nhất đều nói rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và định hình tư duy của họ là việc đọc sách. Sách là nguồn tri thức vô tận, vô giá của nhân loại mà mỗi người có thể tự học hỏi, tìm tòi tri thức trong suốt cuộc đời của mình. Càng đọc sách càng thấy thế giới rộng lớn, sự hiểu biết của con người chỉ là hữu hạn trong thế giới mênh mông lớn rộng đó. Lê-nin từng khẳng định: “Không có sách thì không có tri thức”. Bởi vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên kêu gọi cán bộ và nhân dân hăng say đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Người từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách”. Lời dạy của Người vô cùng ý nghĩa, còn nguyên giá trị ở mọi thời đại và bản thân Người là một tấm gương sáng về việc đọc sách. Đọc sách là một cách để con người tự học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, đồng thời, giúp mỗi người luôn theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để giúp ích cho xã hội cũng như góp phần phát triển văn hóa xã hội.

 

 

        Con người vốn dĩ trưởng thành đều nhờ vào tri thức, tri thức ấy được ghi chép lại trong những trang sách qua những kinh nghiệm trong cuộc sống từ đời này sang đời khác. Vì vậy, sách là sự kết tinh trí tuệ của con người, là kho tàng tri thức phong phú, bổ ích và vô cùng quý giá đối với loài người. Nó như một ngọn lửa bé nhỏ mà sáng rực. Sách không chỉ tác động vào tri thức mà còn ăn sâu vào tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn để ta biết cách sống đẹp, sống tốt và sống có ích, hướng con người đến gần hơn với “chân, thiện, mỹ”. Sách cũng là chiếc cầu nối đưa ta ngược dòng thời gian trở về quá khứ để hiểu về lịch sử, đất nước, con người. Thật sự rất khó để kể hết những vai trò tuyệt vời của sách, cuộc sống con người không thể không có sách. Sách là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian và lịch sử. Qua sách, chúng ta có thể trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và rồi tiếp bước đến tương lai. Với biết bao lợi ích từ sách, mỗi người trong chúng ta đặc biệt là những người trẻ tuổi cần tạo cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày.

        Tầm quan trọng của sách là giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào đời sống thực tế của bản thân để xử lý trong các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những cuốn sách hay, bổ ích vẫn còn những loại sách có nội dung không phù hợp đã vô tình làm xấu đi vầng hào quang trí tuệ. Vì vậy, chúng ta cần lựa chọn đọc những cuốn sách hay được xuất bản ở Nhà xuất bản uy tín để nâng tầm tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn cũng như làm giàu Trí và Tâm một cách hoàn hảo nhất.

 

 

        Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, khi văn hóa nghe nhìn dường như đang dần lấn át văn hóa đọc, khi thời gian con người dành cho việc đọc các loại sách cũng ít hơn trước và ngày càng có nhiều độc giả cảm thấy lúng túng không biết lựa chọn thế nào trước một khối lượng sách, báo khổng lồ được xuất bản hàng ngày thì phương pháp đọc sách cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. “Đọc sách như một nghệ thuật” là cuốn sách giúp bạn về phương pháp đọc sách hiệu quả và cách đọc sách thông minh. Cuốn sách thúc đẩy ta trở thành độc giả say mê, là người bạn đường không thể thiếu của mỗi người trên hành trình đối thoại để học hỏi, khám phá, tu thân và trưởng thành.

 

 

        “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống” (M. Gorky), "Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt nhất của các thế kỷ đã qua" (Decartes). Sách - Kế thừa truyền thống hào hùng và phẩm chất tốt đẹp, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tinh hoa trí tuệ nhân loại, giáo dục nhân cách sống tốt đẹp… Quả thật “Thư trung hữu ngọc” và “Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc” có một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển văn hóa xã hội. Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại. Thói quen và kỹ năng đọc sách mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể và trình độ giáo dục cũng như thiên tư cá nhân.

        Văn hóa đọc đóng góp lớn vào việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, giúp hoàn thiện nhân cách của con người. Một số lợi ích của việc đọc sách mang lại cho con người đó là: Thứ nhất, Sách - Cung cấp tri thức: Sách báo, tài liệu đều là những nguồn tri thức kết tinh của nhân loại. Trong mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn hay khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hàng ngày sẽ giúp bạn trau dồi cho bản thân một lượng tri thức lớn. Thứ hai, Sách -  Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Thông qua thói quen đọc sách mỗi ngày người đọc có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng cách học cách lắng nghe, trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ, hành vi, ứng xử… Thứ ba, Sách - Phát triển trí tuệ cảm xúc: Những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm từ bao đời nay được đúc kết và chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách. Những trang sách cũng giống như người bạn tâm giao, đưa ra cho ta những lời khuyên hữu ích, giúp ta có thể suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc của ta cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn. Thứ tư, Sách - Rèn luyện tư duy: Với những thể loại sách khác nhau lại đặt người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, giúp đưa trí tưởng tượng bay xa và cách đối mặt với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Đọc sách thường xuyên là cách giúp bạn rèn luyện tư duy hiệu quả thông qua những kiến thức, những thông điệp đầy ý nghĩa từ sách.

        Trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa, thì văn hóa đọc chính là một mắt xích quan trọng, kiến tạo nên “Bức tranh văn hóa dân tộc trường tồn”. Khi nói về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo và tự học suốt đời của Người. Với khát vọng "Dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái", “Một dân tộc đọc sách là một dân tộc trường tồn” lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt với sách báo và thư viện, đồng thời Người luôn khích lệ mọi người dành thời gian cho việc đọc, tự học.

 

 

        Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi phương thức truyền tải, tiếp cận thông tin, vì thế mà văn hóa đọc đã phát triển ở trình độ cao hơn. Đối tượng đọc không chỉ giới hạn ở sách, các tài liệu giấy truyền thống mà còn bao gồm nhiều dạng tài liệu số, hiện đại như sách, báo điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc trong thời hiện đại đồng thời thuận tiện quản lý, lưu trữ, truyền tải, tìm kiếm thông tin theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Như vậy, văn hóa đọc cũng chịu tác động của khoa học công nghệ và mang dấu ấn của nền văn minh thời đại. Việc hình thành những kỹ năng mới là yêu cầu cần thiết để có thể duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại mới.

 

 

        Nhận thức rõ vai trò của thư viện trong việc thực hiện sứ mệnh phát triển văn hóa đọc, góp phần phát triển văn hóa xã hội, trong những năm qua Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã từng bước đổi mới phương thức phục vụ, tạo không gian, thời gian đọc/học mở nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của bạn đọc. Đồng thời, luôn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động thư viện - học thuật: “Sách: Ý nghĩa - giá trị”, “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách: Cho tôi - Cho bạn”; “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”… Từ đó, góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong đời sống văn hóa - xã hội; nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu thích và hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học và học tập suốt đời; góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, nghiên cứu, đánh giá, kiểm định của Nhà trường.

( Bài viết có tham khảo và sử dụng một số thông tin, hình ảnh từ các trang: nlv.gov.vn/van-hoa, thuvienphapluat.vn, vinhuni.edu.vn/lan-toa-phong-trao-doc-sach ).

 

(Ngọc Diệp & Cao Thủy - Thư viện NTH)