Hướng tới kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 - 07/05/2024), chúng tôi những cán bộ thư viện luôn yêu sách và gắn bó với công tác thu thập, xử lí và phục vụ tài liệu muốn mời quí độc giả ghé thăm kho tàng tri thức đa dạng và phong phú của Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào. Ở đây, quí độc giả sẽ gặp lại những trang sách chứa đựng trong đó cả một thời lịch sử hào hùng không thể nào quên - “Một thời máu và hoa” để rồi thêm tự hào, thêm yêu, thêm trân quý dân tộc Việt Nam và khắc ghi lời dặn của Bác Hồ kính yêu “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước”.

(Ảnh tư liệu: Bác Hồ với chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp, 1953)

 

        Nói về lịch sử dân tộc Việt Nam là nói về các Vua Hùng dựng nước và lòng yêu nước, tinh thần và chủ nghĩa yêu nước từ thuở sơ khai của dân tộc Việt. Vẫn còn đó những thiên hùng ca khắc ghi về tinh thần quật khởi, bất khuất, xả thân; tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thiên tai, địch họa để đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng gió đi đến những thắng lợi vinh quang, độc lập, thống nhất, hòa bình, phồn thịnh.

        Đến nay, đã qua rồi thời khói lửa bom đạn, xẻ núi băng rừng, gian khổ, hi sinh trong hai chữ “chiến tranh”. Tất cả dường như xa lạ với các em học sinh, sinh viên thời nay, nhưng nhờ có những cuốn sách, quyển truyện, bộ phim mà các em có thể hình dung, suy nghĩ, nhìn nhận và chứng kiến được phần nào về những tháng năm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, về một “Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 

(Ảnh tư liệu: Bác Hồ với chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, 1966)

 

        Hiện tại, trên kệ sách của Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào có đến hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách viết về lịch sử dân tộc Việt Nam, về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, về những con người anh hùng, huyền thoại… Ở bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ giới thiệu một vài tác phẩm, nhân vật mà theo chúng tôi toàn thể nhân dân nói chung, độc giả nói riêng cũng đã dành rất nhiều tình cảm trân quý.

        Trước tiên, cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng” là một nguồn tư liệu quý cho những độc giả muốn tìm hiểu, nghiên cứu về mối quan hệ gắn bó, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Như chúng ta đã biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức được rằng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Mục đích xây dựng quân đội của Người là tự vệ dân tộc: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”. Với tầm nhìn chiến lược đó, quân đội ta ra đời phù hợp với quy luật khách quan, xuất phát từ chính nhu cầu, đòi hỏi do thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng, là kết quả từ quá trình phát triển của các tổ chức vũ trang của quần chúng. Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

 

 

Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng” gồm 3 phần chính: 

        Phần I: Tình cảm của vị cha già dân tộc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam: Khắc họa sâu sắc tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam từ lúc mới thành lập, trải qua bao gian khổ trong rèn luyện và chiến đấu, lần lượt đánh thắng những kẻ thù lớn của dân tộc. Cũng như tình yêu bao la dành cho nhân dân Việt Nam, tình yêu của Hồ Chủ tịch dành cho anh Bộ đội Cụ Hồ là một thứ tình cảm đặc biệt. Sự quan tâm của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bình dị nhưng chứa chan tình cảm của Bác kính yêu;

        Phần II: Quân đội nhân dân Việt Nam xứng danh Bộ đội Cụ Hồ: Nêu bật phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là một hệ thống chuẩn mực, giá trị nhân cách của người quân nhân cách mạng được hình thành và phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta. Nhờ phẩm chất đó, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân nhân dân Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân, trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng;

        Phần III: Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quân sự: Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng cách mạng của Người, là kết quả hoạt động tư duy và thực tiễn trong những điều kiện lịch sử nhất định của đất nước và thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo di sản tư tưởng quân sự dân tộc, tinh hoa quân sự của nhân loại trong đó đặc biệt là lý luận quân sự Mác - Lênin. Nhờ áp dụng sáng suốt tư tưởng của Người về quân sự mà Quân đội ta đã lần lượt chiến thắng những kẻ thù lớn của dân tộc, mang lại nền độc lập, tự do và mở ra thời đại độc lập, tự chủ của dân tộc ta.

 

 

Cuốn sách được sưu tầm và chắt lọc từ rất nhiều nguồn tài liệu quý báu về người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp, khơi gợi cho bạn đọc tình yêu quê hương, đất nước, sự biết ơn đến những người đã góp phần xây dựng Tổ Quốc.

 

 

        Những trang nhật kí thời chiến - di sản quí mà các anh hùng đã để lại cho thế hệ sau. Những dòng nhật ký trong trẻo, đầy ước vọng về một cuộc sống thanh bình. Những lời thề quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn tự hào... những trang viết riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại. Chắc hẳn nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn chưa thể quên câu chuyện về cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Những dòng nhật ký cho ta thấy được thời kỳ chiến sự hết sức nóng bỏng, khắc ghi lại một thế hệ luôn mang trong mình lí tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, lúc nào, bao giờ cũng: “Đã hay đâu cũng say tiền tuyến/ Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường/ Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”… Hai cuốn nhật ký mang tính hiện thực chiến tranh, với hàng triệu bản in đã được phát hành và dịch ra nhiều thứ tiếng.

 

 

        Nếu ai đã từng đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc chắc hẳn sẽ xúc động trước những dòng nhật ký hết sức chân thực ấy. Cuốn nhật ký được viết trong một khoảng thời gian không dài, bắt đầu từ ngày 2.10.1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24.5.1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa). Khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm ấy giống như một lát cắt trong cuộc đời một con người nhưng những gì được người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc ghi chép trong khoảng thời gian đó cũng đủ cho người đọc thấy được thế giới tâm tư phong phú cũng như tâm hồn anh, con người anh. Đằng sau đó, người đọc còn hiểu được thêm về những điều đáng quý, đáng trân trọng của cả một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

 

        Và độc giả còn có thể đi tìm những kí ức lịch sử qua các tác phẩm văn học viết cho thời chiến thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tràn đầy lòng lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng... Dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ lực lượng vũ trang như dòng sông mạnh mẽ tuôn chảy trong mạch nguồn văn học nước nhà với nhiều tác phẩm xuất sắc ở các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, thơ, trường ca… Khi lịch sử được kể một cách phong phú, sinh động, chắc chắn sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Có thể nói, đó là một lý do để ngày càng nhiều bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, say mê tìm hiểu lịch sử nước nhà được truyền tải qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó sách đóng một vai trò rất quan trọng. Hãy đến và trải nghiệm không gian đọc tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào bạn sẽ thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc qua những trang sách.

 

(Bài viết có sử dụng một số thông tin và hình ảnh tư liệu từ các trang web: tuyengiao.vn, sachphapluatvn.com, qdnd.vn, kyluc.vn,...)

 

(Hải Yến & Thu Trang - TV NTH)