Sách là tài sản quý giá đối với mỗi con người và toàn nhân loại. Đọc sách là một cách để con người tự học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, đồng thời, giúp mỗi người luôn theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để giúp ích cho xã hội. Có hàng trăm, hàng nghìn câu nói về giá trị và ý nghĩa của sách, của việc đọc sách mà chúng ta không thể nhớ hết, trích dẫn hết… Ở bài viết này, thêm một lần nữa, chúng tôi muốn trao đổi và nhấn mạnh tầm quan trọng về “Sứ mệnh văn hóa đọc và vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa đọc”.

 

 

        Trước hết, chúng ta cần biết: Văn hoá đọc, hiểu theo nghĩa rộng đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Văn hóa đọc, nhìn chung là một hoạt động văn hóa của con người, bởi lẽ đọc sách là cách tiếp cận tri thức, thông tin, tinh hoa văn hóa nhân loại. Hoạt động này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Hay nói cách khác đơn giản hơn là thái độ của mỗi cá nhân đối với việc tiếp cận tri thức, sách vở.

        Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi thành viên trong xã hội. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại. Thói quen và kỹ năng đọc sách mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể và trình độ giáo dục cũng như thiên tư cá nhân.

        Văn hóa đọc đóng góp lớn vào việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, giúp hoàn thiện nhân cách của con người. Một số lợi ích của việc đọc sách mang lại cho con người đó là:

        Thứ nhất, Sách - Cung cấp tri thức: Sách báo, tài liệu đều là những nguồn tri thức kết tinh của nhân loại. Trong mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn hay khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hàng ngày sẽ giúp bạn trau dồi cho bản thân một lượng tri thức lớn.

        Thứ hai, Sách -  Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Thông qua thói quen đọc sách mỗi ngày người đọc có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng cách học cách lắng nghe, trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ, hành vi, ứng xử…

        Thứ ba, Sách - Phát triển trí tuệ cảm xúc: Những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm từ bao đời nay được đúc kết và chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách. Những trang sách cũng giống như người bạn tâm giao, đưa ra cho ta những lời khuyên hữu ích, giúp ta có thể suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc của ta cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn.

        Thứ tư, Sách - Rèn luyện tư duy: Với những thể loại sách khác nhau lại đặt người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, giúp đưa trí tưởng tượng bay xa và cách đối mặt với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Đọc sách thường xuyên là cách giúp bạn rèn luyện tư duy hiệu quả thông qua những kiến thức, những thông điệp đầy ý nghĩa từ sách.

        Trong cuốn “Bắc Cầu - Kỷ niệm đọc sách thời thơ ấu”, Hoàng thái hậu Nhật bản Michiko có nói rằng: “Sách khi thì cho tôi cội rễ, lúc lại chắp cho tôi đôi cánh của trí tưởng tượng”. Cội rễ đó, đôi cánh đó sẽ giúp chúng ta bắc những nhịp cầu cả với bên ngoài lẫn bên trong, giúp ta trong việc từng bước nuôi dưỡng và mở rộng thế giới của bản thân. “Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiêu lưu” (Mary Pope Osborne).



        Trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa, thì văn hóa đọc chính là một mắt xích quan trọng, kiến tạo nên “Bức tranh văn hóa dân tộc trường tồn”. Khi nói về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo và tự học suốt đời của Người. Với khát vọng "Dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái", “Một dân tộc đọc sách là một dân tộc trường tồn” lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt với sách báo và thư viện, đồng thời Người luôn khích lệ mọi người dành thời gian cho việc đọc, tự học. Để tìm hiểu thêm quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của sách, báo, phương pháp đọc sách, báo của Người, mời bạn đọc tham khảo thêm cuốn "Bác Hồ với việc đọc và tự học".



        Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi phương thức truyền tải, tiếp cận thông tin, vì thế mà văn hóa đọc đã phát triển ở trình độ cao hơn. Đối tượng đọc không chỉ giới hạn ở sách, các tài liệu giấy truyền thống mà còn bao gồm nhiều dạng tài liệu số, hiện đại như sách, báo điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc trong thời hiện đại đồng thời thuận tiện quản lý, lưu trữ, truyền tải, tìm kiếm thông tin theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Như vậy, văn hóa đọc cũng chịu tác động của khoa học công nghệ và mang dấu ấn của nền văn minh thời đại. Việc hình thành những kỹ năng mới là yêu cầu cần thiết để có thể duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại mới.



        Từ năm 2019 đến nay, hàng năm Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phát động và tổ chức cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”. Đây là “Hành trình truyền lửa văn hóa đọc”, tạo nên một hoạt động hết sức giá trị, ý nghĩa, lan tỏa tri thức, tạo nên cảm hứng, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động của đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ- TTg ngày 15/03/2017. Cuộc thi được phát động hàng năm và đã qua 4 lần tổ chức và thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự ở vòng sơ khảo. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi. Năm 2022 là năm có nhiều địa phương và các đơn vị, các trường đại học, học viện tham gia nhiều nhất. Trong 05 tháng phát động và triển khai, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” đã thu hút gần 1.272.000 học sinh, sinh viên từ gần 7.869 cơ sở giáo dục tham gia.


(Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ VHTT& DL cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc)

 

        Trong sự nghiệp thực hiện sứ mệnh phát triển văn hóa đọc thì thư viện đóng một vai trò hết sức quan trọng và điều này đã được thể chế thành văn bản. Luật Thư viện chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ của thư viện là: (1) Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện. (2) Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện. (3) Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện. (4) Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.

        Hàng năm, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động: (a) Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước. (b) Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông. (c) Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện. (d) Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.


(Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An trao quà lưu niệm cho Ban Tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023” của Trường Đại học Vinh và Cục Chính trị Quân khu IV)

 

        Nhận thức rõ vai trò của thư viện trong việc thực hiện sứ mệnh phát triển văn hóa đọc, trong những năm qua Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã từng bước đổi mới phương thức phục vụ, tạo không gian, thời gian đọc/học mở nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của bạn đọc. Đồng thời, luôn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động thư viện - học thuật: “Sách: Ý nghĩa - giá trị”, “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách: Cho tôi - Cho bạn”… Từ đó, góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách và những người biên soạn, sưu tầm, nghiên cứu; góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong đời sống văn hóa - xã hội; nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu thích và hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học và học tập suốt đời; góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, nghiên cứu, đánh giá, kiểm định của Nhà trường.


(PGS.TS. Phan Huy Dũng với chủ đề "Sách - Ý nghĩa và giá trị")

 

        Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã từng bước được hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiên công nghệ đáp ứng nhu cầu bạn đọc và yêu cầu đổi mới phương thức dạy học của Nhà trường. Hiện nay, song song với nguồn học liệu truyền thống gồm 55919 tên sách (được quản lý bằng phần mềm Kipos), còn có Thư viện số với nguồn tài liệu lên tới 26246 cuốn, được quản lý bằng phần mềm thư viện chuyên dụng và phục vụ bạn đọc khai thác 24/24. Đồng thời, đã kết nối với hệ thống thư viện số dùng chung của 70 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Hiện tại, chiến lược phát triển của Thư viện Nguyễn Thúc Hào đang hướng tới xây dựng thành công thư viện thông minh để phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Nhà trường: “Trường Đại học Vinh trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045”.

 

 

(Bài viết có tham khảo và sử dụng một số thông tin, hình ảnh từ các trang:

nlv.gov.vn/van-hoa, vov2.vov.vn/van-hoa, thuvienphapluat.vn, vinhuni.edu.vn/lan-toa-phong-trao-doc-sach, hocviensangtao.edu.vn).


(Đức Bình & Kim Ngân)