Thư viện là nơi cung cấp thông tin tới người đọc thông qua nhiều dạng thức, đó có thể là tài liệu in ấn hoặc tài liệu số và làm sao để người sử dụng cảm thấy nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả. Ở bài viết này, chúng tôi xin trao đổi, chia sẻ một số thông tin về việc bổ sung và khai thác nguồn học liệu, tài liệu để phục vụ bạn đọc tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào.



        Việc học tập tại thư viện không những là nhân tố thúc đẩy người học chủ động học tập nhằm đạt kết quả tốt mà còn giúp người học có thể tiếp cận được với nguồn tri thức sẵn có và nền khoa học - công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, trên thực tế, có những giảng viên và sinh viên không đến thư viện hoặc không sử dụng học liệu trong thư viện cũng có thể hoàn thành việc dạy, học và nghiên cứu của mình.

Mặt khác, việc đổi mới của phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đòi hỏi sự chủ động và tích cực của sinh viên trong học tập. Sinh viên phải tự tìm kiếm thông tin nội dung bài giảng từ nhiều nguồn, trong đó nguồn tư liệu từ thư viện của cơ sở đào tạo đóng vai trò tích cực và quan trọng. Sau đây, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp để khai thác và bổ sung nguồn học liệu phục vụ đào tạo:

(1) Nâng cao vai trò tự học của sinh viên

        Trong quản lí đào tạo theo hình thức tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải tự học, tự đọc nhiều hơn. Thư viện phải trở thành giảng đường thứ 2 của sinh viên, là nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên tiếp cận những kiến thức bổ ích, góp phần giúp nhà trường hoàn thành việc đào tạo theo tín chỉ và nghiên cứu khoa học. Hướng dẫn sinh viên sử dụng tài liệu chuyên ngành có tại thư viện cũng như hoạt động tìm kiếm nguồn thông tin học liệu qua mạng internet tại phòng máy thư viện.

        Khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa sinh viên. Chất lượng học tập trong môi trường làm việc nhóm phát triển tốt hơn so với làm việc cá nhân, tổ chức các nhóm học tập và giao đề tài để sinh viên làm việc nhóm cũng là cách thu hút sinh viên thích lên thư viện nhiều hơn

        Với giảng viên, thư viện góp phần hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy. Thay vì lên lớp thuyết trình, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, người dạy có thể cung cấp kiến thức cơ bản, nêu vấn đề, đưa ra các yêu cầu thảo luận hoặc ra các bài tập nhóm, giới thiệu nguồn tài liệu phong phú sẵn có của thư viện, hướng dẫn và yêu cầu sinh viên tham khảo, nghiên cứu tài liệu để có đủ dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc học tập, thảo luận.



(2) Góp phần đổi mới giáo dục đại học

        Thư viện góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi phương cách tìm kiếm, lựa chọn, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức của người học. Điều đó có thể giúp người học phát huy tính sáng tạo và thực hiện được phương châm: Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Thư viện chủ động tìm hiểu kế hoạch, chương trình đào tạo và đề cương chi tiết, để có kế hoạch phục vụ phù hợp, chủ động trong đảm bảo học liệu cho giảng viên và sinh viên, chuyển từ hình thức phục vụ thụ động sang chủ động giới thiệu tài liệu phục vụ theo yêu cầu.

 


(3) Học liệu thư viện

        Nguồn học liệu chính là vốn tài liệu của thư viện để phục vụ các mục đích học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Học liệu là tất cả những tài liệu phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu tại một trường đại học bao gồm: sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án, báo cáo khoa học, bài giảng, giáo trình và các tài liệu chuyên ngành khác. Nguồn học liệu này có thể là nguồn nội sinh (do thư viện tạo ra) hoặc ngoại sinh (thu thập từ bên ngoài).

        Học liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong môi trường giáo dục đại học, có ảnh hưởng lớn tới chất lượng của hoạt động dạy, học, nghiên cứu của cả người dạy lẫn người học trong một trường đại học. Ba hoạt động chính của một trường đại học đó là nghiên cứu, giảng dạy và học tập, cùng với đó là 3 thực thể quan trọng của một trường đại học là giảng viên (bao gồm cả nhà nghiên cứu, các chuyên gia), sinh viên (bao gồm cả sinh viên bậc cử nhân, học viên sau đại học và học viên của các khoá ngắn hạn) và học liệu. Các thực thể này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong các hoạt động của một trường đại học.



        Đội ngũ giảng viên với những hiểu biết chuyên môn sâu là nguồn cung cấp thông tin quý giá về nguồn học liệu cho thư viện. Giảng viên, với vai trò là người truyền đạt tri thức và quan trọng hơn là người hướng dẫn sinh viên khai phá tri thức mới. Nguồn tri thức đó một phần được cung cấp qua nguồn tài liệu mà giảng viên biết. Giảng viên cũng là người cần cập nhật những tri thức mới thông qua các nguồn khác nhau trong đó có nguồn học liệu. Tiến trình chuyển giao, truyền đạt tri thức và khai phá tri thức của giảng viên và sinh viên có sự đóng góp quan trọng của nguồn học liệu.

(4) Nguồn học liệu trong thư viện giúp gì cho giảng viên?

        Nguồn học liệu phục vụ mô hình đào tạo tín chỉ cần phản ánh đại đa số các tài liệu được đề cập trong các đề cương môn học. Để đạt được tiêu chí này, quá trình bổ sung phát triển nguồn học liệu cần phải dựa trên danh sách các tài liệu tham khảo trong đề cương mỗi môn học. Phản ánh đầy đủ các tài liệu được coi là một trong những điều kiện tiên quyết, quyết định đến chất lượng đào tạo. Việc phát huy tối đa khả năng bổ sung các tài liệu này làm nguồn tài sản riêng cho nguồn học liệu là cần thiết. Trong trường hợp chưa thể sở hữu những tài liệu này, việc mua quyền truy cập tailieu.vn tạm thời hoặc và liên kết với các nguồn học liệu của các cơ quan thông tin - thư viện khác cũng là một giải pháp cần được tính đến để hỗ trợ giảng viên trong phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích, yêu cầu sinh viên phải đến thư viện tra cứu tài liệu để phục vụ học tập, nghiên cứu.



        Thực tế, các thư viện đại học Việt Nam không có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của người dùng tin, đặc biệt là các thông tin chuyên ngành. Do vậy, các thư viện cần kết hợp với nhau để phục vụ tốt các nhu cầu tin này. Bên cạnh đó, yêu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực ngày càng cao, đòi hỏi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có nền tảng kiến thức sâu, rộng và vững vàng. Việc tham gia hệ thống liên kết chia sẻ nguồn lực giữa các thư viện đại học là giải pháp hữu hiệu để giúp tăng cường nguồn lực thông tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

        Liên kết và chia sẻ là hai mục tiêu quan trọng của thư viện đại học trong giai đoạn phát triển mới. Hợp tác liên thông chia sẻ học liệu, xây dựng các phương thức và cam kết hợp tác giữa các thư viện là cơ sở để thư viện phát triển nguồn học liệu, xây dựng các sản phẩm dịch vụ dùng chung, hỗ trợ nhau phục vụ người dùng tin. Điều này giúp các thư viện tăng cường nguồn lực thông tin mà không cần phải tăng thêm kinh phí, hoặc có thể cắt giảm kinh phí bổ sung tài liệu không cần thiết do hợp tác với các thư viện khác mang lại. Việc giúp thư viện nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu học liệu sẽ góp phần trực tiếp vào nâng cao hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trường đại học. Thông qua đó khẳng định vai trò quan trọng của thư viện trong trường đại học.


(Bài: Thu Trang - Hải Yến)