Trên các sạp sách, độc giả lại chứng kiến có những cuốn sách đẹp, có màu sắc bắt mắt, đó là những cuốn sách Tết. Những cuốn sách thơm mùi giấy mới đã góp phần làm nên phong vị ngày xuân. Vì vậy, sách Tết có đặc điểm nổi bật là không chỉ hay mà còn đẹp, được đầu tư kỹ càng về nội dung và hình thức.
Sách Tết không chỉ để đọc mà còn để tặng, để ngắm, nên được gói ghém trang trọng, cầu kỳ. Sách được đóng hộp, tặng kèm tranh, có nhiều phiên bản bìa cứng, bìa mềm và phiên bản giới hạn cho người sưu tầm.

 

Cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, trào lưu sách Tết đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta. Từ đó, xen lẫn mùi của pháo, bánh chưng ngày Tết còn có mùi của giấy mực, nó như một thú vui tinh thần tao nhã, đồng thời thể hiện sự trân trọng với văn thơ, chữ nghĩa của người xưa. Nhưng từ những năm cuối thập niên 50, trào lưu này bị mai một. Sau 60 năm, đến 2019, những cuốn sách Tết mới xuất hiện trở lại và được duy trì cho tới hiện nay.

 


"Việc trở lại của sách Tết trong những năm gần đây như một món quà đầu xuân là sự phục hưng văn hóa. Những nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đã đặt văn hóa là trọng tâm. Ở đây, đó không chỉ là khẩu hiệu mà văn hóa đang thực sự bắt đầu lan vào trong đời sống con người Việt Nam, vẻ đẹp truyền thống hay những giá trị tinh thần đang được phục hồi và lan tỏa. Tôi nghĩ không vẻ đẹp nào đẹp hơn trong đầu năm mới đến bằng thông điệp của văn hóa", nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Việt Nam vốn là một đất nước hiếu học. Nhưng trong một thời gian dài, việc đọc sách dường như bị lãng quên, thể hiện ở tỷ lệ đọc sách trên bình quân đầu người rất thấp. Vì thế, sự hồi sinh của phong trào tặng sách, lì xì sách đầu năm chính là những tín hiệu lấp lánh của sự hồi sinh văn hóa đọc.

Bài & ảnh: Thư Viện