Hôm nay hòa chung trong không khí vui tươi, sôi nổi của cả nước
chào mừng ngày sách Việt Nam 21-4, ngày sách và bản quyền thế giới 23-4, tôi
xin thay mặt cho TT TT-TV Nguyễn Thúc Hào Trường Đại học Vinh xin trân trọng giới
thiệu tới quý vị đại biểu, các thầy cô giáo cùng các em HS-SV một người thầy rất
đỗi quen thuộc trong vai trò thầy giáo ở ngôi trường Hướng Dương thuộc huyện Bến
Cát, tỉnh Bình Dương - ngôi trường tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó
khăn, mồ côi và khuyết tật; hay trong vai trò nhạc sỹ trên các sân khấu ca nhạc và trên truyền hình khi anh xuất
hiện với một cánh tay duy nhất vừa đánh đàn guitar vừa thổi kèn harmonica điêu
luyện. Vâng, người thầy giáo, và đồng thời cũng là nhạc sỹ ấy chính
là Nguyễn Thế Vinh - một
người có hoàn cảnh bất hạnh, nhưng giờ đây anh đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ
cho biết bao số phận bất hạnh khác.
Xin trân trọng giới
thiệu tới quý vị cuốn tự truyện “Ông
giáo làng trên tầng gác mái” do NXB Thế giới và Saigon Books
xuất bản năm 2017 với sự chắp bút của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà.
Với độ dày 346 trang, cuốn tự truyện gồm có 5 phần:
P1:
Nỗi đau và tuổi thơ:
P2:
Cậu bé ham học
P4.
Ngã rẽ Ước mơ:
P5.
Hướng dương. Tình yêu nở hoa.
Nội dung cuốn tự truyện sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một
nhân cách sống đẹp rất kiên cường, hồn hậu; vượt qua tuổi trẻ gian khó để rồi
trở thành một người đàn ông vững vàng, tài năng và mạnh mẽ; vượt lên bao nghịch
cảnh khó khăn để thương người khác, để đùm bọc, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi, bụi
đời thành tài. Vâng, Nguyễn Thế Vinh không chỉ
là ông giáo làng thời hiện đại, là chàng Trương Chi thời nay, mà còn là người
truyền cảm hứng cho những người trẻ nhiệt huyết dấn thân và cống hiến.
Để mở đầu cho cuốn tự truyện, Nguyễn
Thế Vinh đã nhắc đến cuộc chia ly với cánh tay phải của mình. Đó là một tai nạn
bất ngờ vào mùa hè năm 1979, trong một lần đi chăn bò, Nguyễn Thế Vinh không
may bị ngã từ trên lưng bò xuống đất khiến một đoạn xương trong cánh tay phải
bị gãy cong lên. Ông thầy thuốc Nam đã bó tay anh quá chặt đến mức cánh tay bị
hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ. Năm đó, anh vừa lên 9 tuổi.
Phải lìa xa một bộ phận trên thân
thể mình, đó hẳn là một cú sốc lớn, nhất là với một cậu bé 9 tuổi. Thế nhưng với
Nguyễn Thế Vinh thì ngược lại. Nỗi buồn chỉ thoáng qua, ngay sau đó, anh trở
lại cuộc sống đời thường với niềm lạc quan hiếm có. Anh bộc bạch: “Dù đã mất
một cánh tay nhưng tôi vẫn phụ giúp ông ngoại và dì những công việc như khi cơ
thể còn nguyên vẹn. Tôi luôn chân luôn tay như vậy không phải vì bị người lớn
ép làm mà vì chính tôi muốn quen với cuộc sống chỉ có một cánh tay, muốn tin
rằng khiếm khuyết ấy không quá nghiêm trọng”
Nguyễn
Thế Vinh đã bước vào đời với một cánh tay như thế. Nhưng đó vẫn chưa phải là
khó khăn lớn nhất, mà cuộc đời anh còn chịu sự xoay vần theo sự biến thiên của
thời cuộc với bao xáo trộn, mất mát và chia ly.
Sớm
mồ côi ba mẹ từ nhỏ nên anh phải lăn lộn với đời để mưu sinh, để giúp đỡ ông bà
ngoại với đủ nghề đi buôn, dạy kèm, vá xe, làm thuê …chỉ với một cánh tay và một
tấm thân gầy còm như thế. Thậm chí anh còn có thể
hòa tấu guitar và thổi Harmonica một cách nhuần nhuyễn. Để có thể điều chỉnh từng
nốt nhạc trên cung đàn, anh đã mất hơn ba năm để tìm ra một cách riêng khi mình
chỉ còn lại một cánh tay.
Anh từng tâm sự rằng “Những người có
đời sống nhiều chông gai có khi là do chính được ông trời ưu ái thế để họ được
trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó tích lũy vốn sống, cảm xúc, kinh
nghiệm và càng trưởng thành. Thế nên khi gặp nghịch cảnh, trước tiên hãy cứ
chấp nhận chúng rồi sau đó tập thích nghi và vượt qua.”
Khác
với những cuốn tự truyện khác, trong cuốn sách này, sau mỗi chương sách về câu
chuyện cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh là những bộc bạch, cảm nhận và chia sẻ của
nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà. Ở đó, không còn khoảng cách giữa nhân vật và người
chấp bút, mà có sự hòa quyện, đồng cảm với nhau giữa hai tâm hồn. Họ cùng chia
sẻ, lắng nghe và thấu hiểu nhau. Cuốn sách là kết quả của nhiều lần đi về giữa
Cà Mau và Bình Dương của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, trong quá trình thu thập
tư liệu về Nguyễn Thế Vinh.
Nhà
văn Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ: “Khi trò chuyện cùng Vinh, tôi thấy mình thực sự
bị hút vào một thế giới khác - thế giới của riêng Vinh. Thế giới ấy hoàn toàn
có thực, chuyển động và đổi thay từng phút. Tôi thắt lòng khi nghĩ suốt nửa đời
người, mình đã trồi hụp đâu đó giữa những đợt sóng trào, cố gắng ghi những dấu ấn
cá nhân nhưng rốt cuộc lại lẫn lộn đời mình vào đời người khác. Vinh chọn lối sống
đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều: xem muôn trùng lận đận như là điều vốn dĩ, cứ
bình thản đợi, cứ bình thản chung sống, cứ bình thản đồng hành với chúng”.
Và đặc
biệt, điều khiến mọi người quý mến và trân trọng ông giáo làng hiền lành này
chính là tâm huyết của anh trong việc thành lập trường Hướng Dương. Từ lúc manh
nha ý tưởng đến hành trình gian nan đi xin giấy phép, rồi rong ruổi từ Nam ra Bắc
tìm học trò. Nguyễn Thế Vinh giống như một ông tiên giữa đời thường, anh về tận
nhà những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn rồi đưa về trường Hướng Dương
nuôi ăn học, giúp chúng có một tương lai tốt đẹp hơn. Cũng từ ngôi trường Hướng
Dương đã có 31 em được sang Nhật học tập và làm việc…
Anh viết:
“Chính những ngày tháng dạy học cho các trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật đã làm
nảy nở trong tôi ước mơ về một ngôi trường, cũng là mái nhà cho mấy đứa trẻ thiệt
thòi ấy chui ra chui vào, vừa học chữ, vừa học làm người. Lũ trẻ và tôi sẽ dũng
cảm bước đi trên con đường hướng tới tương lai bằng tinh thần tích cực và độc lập
nhất.”
Và anh
đã dấn thân vào con đường biến ước mơ thành hiện thực. Không có tiền, không có
đất…hoàn toàn tay trắng, thế nhưng chính ước nguyện tốt đẹp cùng những nỗ lực
không ngừng đã giúp anh dựng nên ngôi trường tình thương dành cho trẻ em có
hoàn cảnh khó khăn, mồ côi và khuyết tật: Trường Hướng Dương. Triết lý giáo dục
của người thầy ấy chỉ đơn giản là: “Sống có ích cho bản thân cũng có nghĩa là
có ích cho xã hội. Hướng Dương là nhà, là tổ ấm để các em cảm nhận cuộc đời này
đẹp lắm và cần nỗ lực vươn lên những giới hạn của bản thân để đền đáp cuộc đời.”
Không
cố gắng để xây dựng nên một huyền thoại, cuốn tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” đã mang đến cho chúng ta hình ảnh
một Nguyễn Thế Vinh dù phải trải qua những đoạn đời không mấy êm ả nhưng tâm hồn
vẫn lấp lánh chất nghệ sĩ. Cuộc đời của anh được khắc họa đầy sống động và chân
thật, trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, học trò hay trong tình yêu.
Từ cuốn
tự truyện này chúng ta có dịp khám phá và hiểu hơn những điều sâu kín về cuộc đời
cũng như những góc khuất trong tâm hồn của Nguyễn Thế Vinh: một người thầy – một
nhạc sỹ hiền lành, giản dị, nhân ái và luôn hết lòng, hết mình vì mọi người; Và
có lẽ, câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả về con người anh: “Sống
trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để
gió cuốn đi…”
Hiện
nay cuốn sách đang được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc
Hào trường Đại Học Vinh, các bạn hãy đến và tìm đọc.