Trên
từng trang viết “Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên", tình yêu của người
mẹ khiến người đọc nhói tim bởi nó vô cùng bình dị mà mãnh liệt đến đớn đau.
Tác
giả Cheon
Myeong Kwan (Sinh ngày 01 Tháng 1
năm 1964 ) là một tiểu thuyết gia Hàn Quốc và nhà biên kịch . Trước khi trở thành một
nhà văn, ông làm việc cho một công ty sản xuất phim. Ông có nhiều tác phẩm về
cuộc sống gia đình, và tác phẩm “ Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên”được ông
lấy cảm hứng từ chính những người xung quanh mình.
Tác
phẩm
Do công ty Alphabooks phát hành năm 2015, được nhà
xuất bản Văn học xuất bản với khổ 21 cm , 335 trang thuộc tiểu thuyết tình cảm
lãng mạng. Tác phẩm kể tấm lòng vị tha, nhân từ của người mẹ đối với những đứa
con lầm đường lạc bước của mình. Mẹ vẫn ciu mang những đứa con như ngày còn
thơ..
Người
anh
Tác phẩm mở đầu bằng sự bế
tắc của nhân vật In Mo khi phải tự mình đối diện với sự tuyệt vọng đến cùng
cực. Thứ gì bán được cũng đã đội nón ra đi, đầu tiên là cái xe hơi cũ chạy ròng
rã mười năm, sau đó là tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính xách tay... Ngay đến
cả bộ sưu tập sách với băng video cũng lần lượt nối tiếp nhau rời khỏi nhà. Căn
phòng nhỏ tối tăm ấy chỉ còn trơ lại tấm nệm và gã trung niên 48 tuổi sống
trong đống đổ nát. Không sự nghiệp, không vợ con, giá mà gã còn son trẻ, gã có
thể “bán ngay tức khắc tấm thân này”. Nhưng thực tế bây giờ, gã chỉ muốn “chết
đi cho xong nợ đời”.
Trong thời khắc ấy, khi mà
con người ta nợ nần chồng chất và đợi đến hôm sau bị tống ra khỏi nhà trọ, khi
mà mọi hy vọng lụi tắt còn niềm tin như chút ánh sáng le lói cuối ngày tàn… ấy
là lúc gã nhận được cuộc gọi từ người mẹ già. Cuộc gọi giản đơn với câu thoại
“Mẹ nấu cháo gà đấy, con về ăn nhé?” nhưng lại bừng lên trong lòng người đàn
ông đã đi quá nửa cuộc đời một nguồn ấm áp lạ kỳ.
“Giây phút khi nghe mẹ bảo
tôi về ăn cháo gà, cơn đói bỗng quặn lên đau cả bụng. Miệng tôi như đượm vị
cháo gà ngầy ngậy, beo béo. Một cơn thèm khát dâng lên mãnh liệt, thực sự lúc
ấy tôi chỉ muốn được vục đầu vào cái nồi đầy cháo mà húp xì xoạt”... Cổ họng
đột nhiên nghẹn thắt, gã đáp lại bằng một giọng yếu ớt “Mẹ, con đến ngay đây”.
Ngừng lại ở đoạn này, chúng ta bỗng thấy cay cay nơi sống mũi, chợt nhớ lại
những dòng thơ ngắn ngủi mà thân thương ấy :
“Ănchưa con?
Tiếc nuối gì những bữa cơm phải tự mình ngược đãi
Mà phải ăn vội ăn vàng,
Lề đường, hàng quán
Bát cơm chan nước mắt
Về nhà đi, mẹ nấu cơm rồi”…
Phải rồi, cho dù sách kinh
tế có dạy chúng ta “không có bữa trưa nào là miễn phí”, thì trong ngôi nhà nhỏ,
nơi có người mẹ già tần tảo, những bữa cơm vẫn luôn là miễn phí đến cuối đời.
Anh
cả
Có lẽ In Mo sẽ không ngờ rằng, ngoài nỗi xấu
hổ khi về “ăn bám”, gã còn phải đối diện với ông anh Han Mo 52 tuổi “như một con quái vật khổng lồ bị thiểu năng thần kinh”,
nặng 120 cân, kẻ biến thái với đủ tiền án về bạo lực, lừa
đảo, trộm cắp, một tên vô lại, đi tù như đi chợ và sống ăn bám mẹ mấy năm nay.
Em
gái
Chưa hết được mấy ngày, cô em gái út Mi Yeon
với cuộc sống hôn nhân đầy khó khăn cùng đứa cháu gái ngỗ nghịch cũng trở về
nhà. Chồng cô ta ly hôn vì ko chịu nổi người vợ ngoại tình.
Bà mẹ
Tất cả
đều quay về với mẹ, nơi khu tập thể cũ kỹ dọc theo đường tàu hỏa vùng ngoại ô.
Căn nhà mẹ mua bằng số tiền bảo hiểm tai nạn khi bố qua đời trong tai nạn ô tô
mười năm trước. Và giờ đây, họ lại bắt đầu học cách sống cùng nhau, như những
đứa trẻ trong hình hài người lớn, bên cạnh người mẹ tuổi đã ngoài 70.
Từ
ngày 3 đứa con luống tuổi dãi dầu ôm nỗi thẹn ly hôn, phá sản, tù tội, bất tài
cùng quay trở về, căn nhà tồi tàn của mẹ không ngày nào bình yên. Chửi bới,
tranh giành, thậm chí đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Em gái muốn anh chết quách đi.
Anh trai đánh em không tiếc tay. Cháu gái hỗn xược với bác. Bác moi tiền tiêu
vặt của cháu. Tưởng như không có gì tệ hơn được nữa.
Lạ thay, mẹ vẫn nhẹ nhàng đón nhận tất cả. Và lại giống
như ngày xưa, mẹ bắt đầu đều đặn chuẩn bị cơm nước mỗi buổi sáng. Buổi tối mẹ
trở về mang theo thịt, nướng cho lũ con ăn tới ngán thì thôi. Không một lời ta thán, bà mẹ ấy đã dang tay đón nhận
tất cả sự trở về ấy, dù hàng xóm láng giềng có nói ra nói vào đến thế nào đi
nữa. Người mẹ ấy ngồi nhìn mấy đứa con của mình ăn cơm, ánh mắt ấm ấp yêu
thương sau bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi, cho dù bây giờ những đứa con ấy
đã vào tuổi trung niên. Hình ảnh đó khiến người đọc không khỏi rưng rưng và
khâm phục. . Người đọc sẽ cảm nhận được tình yêu của người mẹ qua từng
con chữ, qua từng sự kiện nối tiếp, qua từng câu chuyện của mỗi thành viên
trong gia đình. Và sẽ ngạc nhiên vô cùng khi biết rằng đứa con cả Han Mo không
phải là con trai của bà nhưng chưa bao giờ bà đối xử có chút mảy mảy khác biệt
so với con mình đẻ ra, mà lúc nào bà cũng khen “nó ngoan lắm”. Đứa con thứ hai
với cô gái út khác cha, nhưng bà đã giữ bí mật đó cho tới lúc này, để họ vẫn
tin rằng họ được sinh ra trọn vẹn hạnh phúc.
Đúng là “chỉ có thể là mẹ”, với tấm lòng bao dung rộng
lớn mới làm được điều đó. Yếu tố bất ngờ nhất được nhà văn sử dụng vào gần cuối
tác phẩm, với những tình tiết được đẩy lên cao trào một cách tự nhiên. Người
yêu năm xưa của bà mẹ, cũng chính là bố ruột của cô con gái út, người đã khiến
bà bỏ chồng bỏ con để đi theo tiếng gọi của tình yêu, đã quay lại. Tình yêu đã
bị bà chôn vùi bao năm qua lại một lần nữa sống dậy, mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Bà không muốn bỏ lỡ cơ hội một lần nữa, và quyết định để người đàn ông đó quay
về sống cùng với mình, là một phần bằng xương bằng thịt trong cuộc đời mình.
Hành động tưởng chừng như ích kỷ và không hợp với dư luận ấy của người mẹ, tuy
làm đàn con có chút bối rối, nhưng giống như một cú tiếp sức cuối cùng giúp đàn
con tung cánh vẽ tiếp cuộc đời của chính mình, nhất là người con trai cả và
người con trai thứ hai, dường như luôn lận đận trong đời sống riêng tư.
Trong cuốn tiểu thuyết gây xúc động của nhà văn Cheon
Myeong Kwan, chỉ có vài đoạn mô tả ngắn gọn về mẹ: Gia cảnh nghèo đói, chồng bị
lôi đi lính, mẹ một nách nuôi 3 đứa con. Hết chiến tranh , chồng bị ô tô
đâm chết, con trai lớn lại vào tù ra khám triền miên. Hơn 70 tuổi, mẹ vẫn đi
làm mà chả đứa con nào quan tâm mẹ làm gì, vất vả ra sao, chỉ cần hàng ngày
thức dậy có cơm ăn, tối về có thịt nướng. Nhà cửa có người dọn dẹp, thế là đã
đủ rồi. Vậy mà, trên từng trang viết, tình yêu của người mẹ khiến người đọc
nhói tim bởi nó vô cùng bình dị mà mãnh liệt đến đớn đau. Trái tim của người mẹ
lớn đến thế nào để có thể bao bọc và xoa dịu những vết thương nhức nhối trong
lòng lũ con đã bị cuộc đời đóng dấu thất bại, động viên chúng gắng gượng đứng
dậy làm lại cuộc đời. Tình yêu của mẹ vô bờ bến biết bao khi luôn nhìn thấy và
biết cách khuấy lên đốm sáng trong tâm hồn và nhân cách của những đứa con mà
người ngoài tưởng như "đồ bỏ đi" ấy, để chúng nhận ra giá trị của
tình cảm gia đình ở cái tuổi ngũ tuần. Cách mẹ chăm sóc nâng đỡ những đứa con,
không khác gì với việc mẹ đối mặt và chiến đấu với cái cuộc đời đã khiến chúng
thảm hại không thương tiếc.
Một
cuốn sách mỏng, thời gian diễn ra câu chuyện chỉ gói gọn trong 1 năm từ lúc
những đứa con quay trở về trong vòng tay mẹ rồi lại rời tay mẹ ra đi nhưng với
cách tạo các lớp lang, với văn phong ngồn ngộn chất liệu đời sống, gấp cuốn
sách lại, có cảm giác như đã trải qua cả một đời người với quá nhiều thăng trầm
biến động. Một cuốn sách hay có thể khiến người ta bật cười khanh khách đó,
nhưng lại bật khóc nức nở ngay. Một hình ảnh Hàn Quốc không sang trọng và đẹp
đẽ, thành công như trong những bộ phim truyền hình mà lại toàn những người lụn
bại, sống trong căn phòng rách rưới, chật vật mưu sinh. Nhưng hình như vì thế,
nó lại thật và đời khiến cho phần đông người đọc, đều có thể tìm thấy phần nào
con người mình trong đó
Dõi
theo từng trang viết của Cheon Myeong Kwan, người ta càng đọc càng bị lôi cuốn
bởi giọng văn nhẹ nhàng, có khi hài hước, có lúc lại xót xa
Hình ảnh người mẹ mà Cheon
Myeong Kwan miêu tả với “ánh hoàng hôn buổi xế chiều đang nặng nề phủ bóng
xuống khuôn mặt” khiến người đọc không khỏi xúc động. Bà không đủ sức mạnh để
giải quyết tất cả vấn đề của chúng, cũng không thể thay con gánh vác những lỗi
lầm, nhưng ở bà có một sự bao dung và chia sẻ. Bà không quay lưng với con,
không từ bỏ niềm mong đợi và kỳ vọng, cánh cửa ấy vẫn sẵn sàng đón những bước
chân lạc lối quay về. Sự đồng hành dịu dàng ấy, mùi thơm từ những món ăn lan
tỏa nhẹ nhàng trong căn phòng ấy, phải chăng là liều thuốc giảm đau hữu hiệu
nhất cho vết thương của từng người?
“Ngoài kia dông bão, lòng
mẹ bình yên” được xuất bản với sự hỗ trợ của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc.
Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Cheon Myeong Kwan đã thực sự chạm đến trái tim của
người đọc với ngòi bút uyển chuyển cùng thông điệp sâu sắc. Khi những mảnh đời,
những nỗi đau riêng lẻ tụ họp về dưới một mái nhà, trong tình yêu vô điều kiện
của mẹ, họ đã cùng nhau tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, cái họ gọi là “gia đình”,
là tình thân ruột thịt.
“Ngoài kia dông bão lòng mẹ bình yên” quả thật là một cái tựa sách
rất hay, với một cái bìa sách cũng đẹp không kém. Tác phẩm không chỉ
khắc họa tình yêu thương vô điều kiện của mẹ, mà ý nghĩa của tác
phẩm này chính là khi đi đến quá nửa cuộc đời chúng ta
mới nhận ra sự thật rằng: thời kỳ tươi đẹp nhất trong cuộc đời
mình đã trôi qua, chúng ta chỉ còn lại những vết tích của thời gian,
của những thất bại, đổ vỡ trong cuộc sống và tình yêu. Nhưng cho
dù mọi hy vọng và giấc mộng tưởng đã tan vỡ, điều chúng ta cần làm
là đối mặt, vượt qua và chấp nhận mà thôi.
Thực tế, sau những sự việc đã xảy ra, sau những gì mà mẹ
dành cho họ, thì hơn ai hết họ hiểu rằng: khi bão táp mưa sa của cuộc đời nhấn
chìm họ, khi khắp thế gian quay lưng lại với họ, dù họ đã bao nhiêu tuổi đi
nữa; thì vẫn luôn còn đó một bến bờ bình yên là vòng tay mẹ, để họ trú nấp và
tiếp thêm sức mạnh trước khi quay trở lại chiến đấu với cuộc sống đầy nghiệt
ngã, nhưng cũng đầy triển vọng tươi đẹp. Và đây cũng chính là thông điệp mà
cuốn sách “Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” muốn gửi đến độc giả