Viện nghiên cứu và phát triển Tri thức số trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, được thành lập ngày 05 tháng 12 năm 2022 với chức năng hỗ trợ các đơn vị, tổ chức về việc tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số (Thư viện số dùng chung).
Đến nay, sau một năm hoạt động, Viện đã có 63 đơn vị kết nối vào Thư viện số dùng chung và hoạt động hiệu quả.
|
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số. |
Để tìm hiểu về hoạt động của Viện trong thời gian qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, kể từ khi thành lập, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số đã gặt hái được những kết quả quan trọng nào, đặc biệt là việc hỗ trợ các đơn vị, trường đại học tham gia Thư viện số dùng chung?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương: Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số được thành lập ngày 5/12/2022 theo quyết định số 37/QĐ – HH-VTT của Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Trong gần 1 năm qua, Viện đã hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng cả nước tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số (Thư viện số đại học, cao đẳng dùng chung). Tính đến nay đã có 63 đơn vị thành viên tham gia kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin trên Trung tâm kết nối Tri thức số (62 thư viện trường đại học, cao đẳng và 01 Thư viện tỉnh Lâm Đồng).
|
Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số. |
Từ khi thành lập đến nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số đã từng bước hoàn thiện bộ máy và có nhiều hoạt động ý nghĩa. Có thể kể một số hoạt động như:
Gửi báo cáo và trình bày tham luận tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức.
Trình bày hàng chục tham luận, bài giảng tại các hội nghị, tọa đàm, tập huấn… với hiệp hội; các trường đại học, cao đẳng; sở Văn hóa Thể thao và Du lịch địa phương về các lĩnh vực: Quản trị thư viện số; Bộ sưu tập địa chí số; Đào tạo nhân lực; Phần mềm thư viện; Bản quyền và sở hữu trí tuệ; Kiểm định chất lượng; Chuyển đổi số trong điện ảnh; Sáng tạo mỹ thuật số; Kết nối tài nguyên số toàn cầu OCLC…
|
Hội thảo “Xây dựng Trung tâm Tri thức số và mô hình thư viện đại học thông minh” được tổ chức tại Trường Đại học Vinh. |
Đặc biệt, Viện đã phối hợp với Liên Chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc và Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo “Xây dựng Trung tâm Tri thức số và mô hình thư viện đại học thông minh”. Những nội dung quan trọng và cơ bản nhất về Trung tâm thư viện/tri thức số được các diễn giả trình bày khoa học, súc tích giúp các thư viện đại học nhận diện rõ đặc điểm nội dung và phương pháp hoạt động của thư viện trong kỷ nguyên số. Các báo cáo đã được tập hợp và xuất bản thành cuốn sách chuyên khảo “Xây dựng Trung tâm Tri thức số và mô hình thư viện đại học thông minh” như những tư vấn hữu ích và cẩm nang hoạt động trong hệ thống thư viện đại học.
Tại Hội thảo phục vụ soạn thảo Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Yên Bái, Viện đã nghiên cứu, xây dựng mô hình quản trị, giải pháp công nghệ và đề xuất đưa vào Đề án nhằm đảm bảo công tác quản trị, kết nối và chia sẻ tài nguyên số giữa các thư viện cơ sở vùng trung du và miền núi phía Bắc.
|
Viện làm việc với đoàn chuyên gia Thư viện Mỹ, thảo luận và thống nhất một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế. |
Chúng tôi cũng có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Thư viện Mỹ do Giáo sư – Tiến sĩ Patricia G.Oyler dẫn đầu tới thăm Viện. Hai bên đã thảo luận và thống nhất một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế để tạo nguồn lực cho Viện và nhanh chóng đưa hệ thống thư viện đại học, cao đẳng Việt Nam hội nhập thế giới.
|
Viện làm việc với Hội Thư viện Việt Nam. |
Viện đã làm việc với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Trung tâm Bộ Công an, Tổ chức cứu trợ trẻ em và nhiều học viện, trường đại học, cao đẳng để trao đổi thống nhất kế hoạch, nội dung hợp tác trong nghiên cứu và triển khai thời gian tới.
Dự kiến cuối tháng 12 năm 2023, Viện sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với các đơn vị đã kết nối vào hệ thống Trung tâm tri thức số dùng chung để tổng kết hoạt động kết nối, chia sẻ, dùng chung; Viện sẽ trao đổi, giải đáp các câu hỏi của các đơn vị và thông báo kế hoạch 2024 của mạng lưới.
Đồng thời Viện cũng sẽ gặp và trao đổi với bộ phận chuyên trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến Quyết định 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Phóng viên: Thưa ông, sự ra đời của Viện là một dấu ấn quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục được thực hiện mạnh mẽ như hiện nay. Vậy trong quá trình hoạt động, Viện có những thuận lợi và phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương: Được thành lập trong giai đoạn hậu Covid-19, Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (IDK) dưới sự dẫn dắt của Ban lãnh đạo Viện luôn nhìn nhận chuyển đổi số là công cuộc thiết yếu và bắt buộc đối với mọi lĩnh vực và ngành nghề, bao gồm ngành thư viện.
Viện luôn nỗ lực hoạt động theo đúng tôn chỉ và mục đích ban đầu là nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tổ chức, kết nối tài nguyên thông tin, tri thức trong các thư viện trường đại học và cao đẳng, và tiến tới là các nguồn thông tin, tri thức có trong các tổ chức cộng đồng cả trong và ngoài nước.
Nói về thuận lợi, Viện luôn được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng như các tổ chức, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi để tiếp xúc và trao đổi, học hỏi các đơn vị, tổ chức khác. Từ đó ngày càng hoàn thiện bộ máy tổ chức và nội dung, kế hoạch công tác của Viện.
|
Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đến thăm và làm việc với Viện. |
Viện không chỉ được các Bộ, Ban ngành đánh giá đúng đắn về vai trò trong việc tham mưu về chính sách và chuyên môn cho Hiệp hội về công tác phát triển hệ thống thư viện/trung tâm tri thức số đại học, cao đẳng Việt Nam mà còn trong công tác định hướng và đưa ra các giải pháp quản trị và kết nối các trung tâm tri thức số cơ sở.
Nhờ làn sóng chuyển đổi số do Chính phủ thúc đẩy, nên Viện IDK có được điều kiện đủ để thành công trong kêu gọi các đơn vị, tổ chức tham gia vào Trung tâm Kết nối Tri thức số dùng chung của các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
|
Lãnh đạo Viện tham dự Chương trình Ngày sách Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Được những đơn vị đầu ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... hưởng ứng và trở thành những thành viên đầu tiên của Trung tâm kết nối Tri thức số đã đặt những nấc thang đầu tiên giúp quảng bá lợi ích khi tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số tới cộng đồng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Sự hợp tác với các đối tác bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam; Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội; Thư viện Quân đội; Thư viện Công an Nhân dân; Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên giáo dục mở đã giúp Viện nhanh chóng tạo được vị thế nhất định trong cộng đồng tri thức Việt.
Tham gia Trung tâm kết nối Tri thức số được xem xét là một trong các tiêu chí phục vụ kiểm định, đánh giá các trường đã góp phần khuyến khích việc tham gia Thư viện số dùng chung của các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Do mới ra đời nên Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số chưa được nhiều đơn vị biết đến cũng như chưa hiểu rõ tôn chỉ, mục đích và vai trò của Viện trong công cuộc chuyển đổi số kho tài nguyên tri thức của Việt Nam.
Các đơn vị trường đại học, cao đẳng và các thư viện công cộng chưa hiểu thật rõ cách thức hoạt động của Thư viện số dùng chung dẫn đến việc chưa thật hào hứng, tích cực tham gia chia sẻ tài nguyên số trên Trung tâm kết nối Tri thức số.
Nhiều trường đại học, cao đẳng chưa dành sự quan tâm đúng mực cho thư viện dẫn đến thư viện không có đủ cơ sở hạ tầng, phần mềm để quản lý và chia sẻ tài nguyên số.
Viện cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển phần mềm quản trị, chia sẻ toàn văn tài nguyên số và tổ chức được các buổi hội thảo, tập huấn quy mô lớn nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức về chuyển đổi số ngành thư viện và bản quyền số.
Khó khăn lớn nhất của Viện là chưa tìm ra kinh phí hoạt động (hiện các thư viện các trường được hỗ trợ kết nối vào Trung tâm kết nối Tri thức số miễn phí). Vì vậy, chi tiêu của Viện cố gắng hạn chế nhất, lấy từ kinh phí mà các sáng lập viên tham gia đóng góp lúc bắt đầu thành lập Viện.
Phóng viên: Vậy trong thời gian tới, định hướng phát triển của Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số như thế nào, thưa ông? Ông có đề xuất gì để hoạt động của Viện phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần đồng hành cùng các trường đại học, cao đẳng kết nối, chia sẻ tài nguyên số trên Trung tâm kết nối Tri thức số?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương: Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số đã định hướng rất rõ ràng về kế hoạch hoạt động của mình trong thời gian tới.
Viện sẽ đăng ký nộp hồ sơ tham gia vào các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ liên quan đến quản lý và chia sẻ tri thức, bản quyền và sở hữu trí tuệ, tài nguyên giáo dục mở.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và sẽ tiến tới triển khai các khóa đào tạo liên quan đến quản lý tri thức và khoa học thư viện. Đồng thời tiếp tục trao đổi và triển khai các chương trình phối hợp với các đối tác ký đã thỏa thuận hợp tác là Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quân đội, Thư viện Công An Nhân dân, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển Tài nguyên giáo dục mở cũng như các hội, hiệp hội và các trường đại học cao đẳng trong nước và quốc tế.
|
Lễ kết nối Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với Trung tâm Tri thức số dùng chung. |
Trung tâm kết nối Tri thức số sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới kết nối đến nhóm các thư viện công cộng và thư viện trong các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh việc tạo lập các metadata và các bộ sưu tập số toàn văn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, nghệ thuật…
Viện sẽ nghiên cứu và phát triển các tính năng, dịch vụ mới để việc kết nối, liên thông, chia sẻ, dùng chung được thuận lợi, đem lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng.
Tập trung hỗ trợ các thành viên của mạng lưới trong quản trị thức số, tạo lập các sản phẩm, dịch vụ tri thức số cho các đơn vị có điều kiện tài chính và nhân lực hạn hẹp.
Viện sẽ tiếp tục tổ chức, đồng tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm về thông tin - thư viện, xuất bản, bản quyền, sở hữu trí tuệ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Giaoduc.net