Trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, tri thức có vai trò thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia đều dựa trên nền tảng tri thức và muốn có tri thức thì phải phát triển giáo dục.
Như lời Bác Hồ đã nói “Non sông Việt Nam có vẻ vang, có sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không? Chính là nhờ phần lớn công học tập ở các cháu”, dù cho giáo dục không phải là phương thuốc thần kì có thể thực hiện dược mọi mơ ước song dù sao nó cũng là một con đường hơn mọi con đường khác huớng vào phục vụ phát triển toàn diện con người. Ý thức được tầm quan trọng đó của tri thức giáo dục, nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng một xã hội học tập với phương hướng, con đường thực hiện là kết hợp đến trường, giáo dục từ xa và tự học. Trong đó tự học để trưởng thành là vô cùng quan trọng.
Tự học đây là vấn đề học tập ngoài nhà trường, tự học là quá trình tự bồi dưỡng kiến thức hay nói cách khác tự học là trực tiếp bổ sung kiến thức sau khi được đào tạo ở nhà trường, là quá trình tự đào tạo.
Đọc sách và nghiên cứu sách để học tập, nâng cao nghề nghiệp, mở rộng tầm hiểu biết là phương pháp phổ biến nhất của việc tự học.Thư viện là cơ quan văn giáo dục ngoài nhà trường, hay nói cách khác thư viện là trường học thứ hai của học sinh sinh viên, do đó thư viện đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong công tác phát triển tự học của bạn đọc, đặc biệt là học sinh sinh viên.
Đảng và Nhà nước và Cơ quan giáo dục của ta luôn quan tâm đến việc không ngừng nâng cao trình độ văn hoá - kỹ thuật cho mọi tầng lớp nhân dân lao động trong đó có đối tượng chính là học sinh sinh viên và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tự học, có ý nghĩa rất lớn nhằm gắn kết học tập kết hợp với lao động sản xuất, tổ chức học tập tại cơ quan tổ chức, học tập ngoài giờ làm việc...
Nội dung và đặc điểm của vấn đề tự học đã được nhấn mạnh trong nghị quyết lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ IV: “Tích cực xây dựng hệ thống học tại chức với nhiều hình thức tự học, đảm bảo cho mọi người lao động đều có thể suốt đời học tập, trau dồi nghề nghiệp, mở rộng nghề nghiệp. Kết hợp tốt học tập với lao động...”.
Phương pháp cơ bản của vấn đề tự học là tự đọc, tự nghiên cứu. Gô-rơ-ki đã viết: “Đọc sách là việc làm quen thuộc hàng ngày của chúng ta. Thực chất đó là một quá trình làm cho con nguời hoà hợp về mặt tinh thần với những khối óc vĩ đại của tất cả mọi thời đại và mọi dân tộc….Quá trình đọc sách làm cho người ta sáng tỏ thêm ý nghĩa cuộc sống và vị trí của con người trong cuộc sống”.
Để thiết thực phục vụ cho những chỉ thị, nghị quyết của Đảng về vấn đề tổ chức tự học cho nhân dân lao động, học sinh sinh viên, biến những chỉ thị, nghị quyết đó trở thành hiện thực sinh động hàng ngày của bạn đọc.
Thư viện cần phải có sự giúp đỡ toàn diện cho việc tổ chức tự học, tạo mọi điều kiện thuận tiện giúp cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân sử dụng kho tàng sách, báo phong phú thông qua việc đọc sách, báo, học tập nhiều điều bổ ích để nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng hình thành thế giới quan Mác – Lênin, nắm vững thành tựu khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng – phát triển con nguời Việt Nam toàn diện.
Sách, tạp chí, báo là nguồn thông tin quan trọng để cho tất cả mọi người quan tâm đến vấn đề tự học,tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng. Đọc sách là phương pháp chủ yếu của vấn đề tự học và tích luỹ kiến thức mới.
Mục đích của việc tự học là phải tự bồi dưỡng để trở thành những người công dân, cán bộ giác ngộ cách mạng, nắm vững chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, nắm vững vấn đề kinh tế, khoa học kỹ thuật, hiểu biết những vấn đề văn hoá, nâng cao nghề nghiệp và trau dồi kiến thức chuyên môn qua các bài giảng của giáo viên trên lớp đối với học sinh sinh viên.
Vấn đề tự học có ý nghĩa quan trọng giúp cho con người tiếp thu tri thức của nhân loại trong quá trình lao động sáng tạo của mình. Xem việc tự học là việc làm thường xuyên của mỗi người.
2. Thư viện giúp đỡ sinh viên trong công tác tự học
Thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp đỡ, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên trong việc tự học, tự nghiên cứu. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thư viện, một cơ quan văn hoá giáo dục ngoài nhà trường.
Thư viện tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc mượn tài liệu thư viện về nhà, đọc tại chỗ phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu.Đặc biệt là hướng dẫn cho học sinh sinh viên trong việc sử dụng máy tính và các phương tiện tuyền thong trong việc tra cứu và sử dụng các nguồn tài liệu điện tử của Thư viện và tài liệu liên kết như việc tra cứu thông tin tài liệu tại Trung tâm học liệu Thái Nguyên, thư viện sách nói miễn phí, timtailieu.vn,…
Thư viện đã xây dựng và tổ chức hệ thống mục lục tra cứu truyền thống, hệ thống tra cứu hiện đại, đồng thời liên kết một só trang giúp cho sinh viên tra cứu tài liệu đáp ứng việc tự học nâng cao như bách khoa tri thức, báo điện tử sinh viên, báo giáo dục thời đại, báo thanh niên, …
Thư viện đã và đang giới thiệu cho bạn đọc những tài liệu tốt nhất, cách sử dụng các bản thư mục giới thiệu trong quá trình tự học.Những kiến thức đó giúp cho bạn đọc chọn được những sách cần thiết phù hợp với đề tài, nắm vững những thành tựu mới nhất trên các lĩnh vực khác nhau đáp ứng cho việc tự học đồng thời nâng cao kiến thức của mình.
Ngoài ra thư viện cũng tăng cường hướng dẫn cho học sinh, sinh viên một số thói quen, điều kiện để tự học như: tiết kiệm thì giờ, tạo điều kiện thuận lợi tự học, chọn tài liệu để tự học,...,như:
Để tiết kiệm thời gian trong việc tự học sinh viên cần phải:
- Phân phối thời gian sát sao.
- Chọn đúng tài liệu học tập.
- Sắp xếp kế hoạch để học tập.
- Chuẩn bị sách giáo khoa, sách tham khảo và tài liệu tra cứu cần thiết.
Để có điều kiện tự học tốt nhất thì phải gắn liền với thư viện, đến thư viện sẽ có không gian học tập yên tĩnh, có nguồn tài liệu phong phú và đa dạng. Những đặc điểm này chính là điều kiện lý tưởng để học tập tốt nhất.
Một trong những phương pháp quan trọng để thu nhận kiến thức là phải biết sử dụng sách, biết chọn tài liệu, tìm tài liệu, nắm vững tài liệu như thế nào để học tập có hiệu quả. Chính vì vây, thư viện đã tập mở các lớp hướng dẫn cho bạn đọc trong việc khai thác, tìm kiếm, lựa chọn đúng tài liệu để tự học. Phải chọn tài liệu, sách, báo phù hợp với môn học, trình độ, khả năng của mình.
Đối với những vấn đề cần nghiên cứu tự học như các công trình nghiên cứu khoa học, làm bài tiểu luận cuối khóa, tiểu luận tốt nghiệp, thư viện đã hướng dẫn , tư vấn cho sinh viên trong việc chọn những sách tốt nhất, hay nhất và trình bày vấn đề đầy đủ và sâu sắc nhất khi có các yêu cầu của sinh viên hoặc các định hướng của giáo viên.
Ngoài ra Thư viện cũng hướng dẫn và giúp đỡ sinh viên trong việc lập kế hoạch học tập, kế hoạch đọc tài liệu theo một trình tự nhất định phải đi từ dễ đến khó, phải đi từ đơn giản đến phức tạp.
Nói tóm lại, giáo dục cho sinh viên ngay từ khi bắt đầu tự học nên thu nhận kiến thức một cách có hệ thống từ thấp đến cao.
3. Phương pháp đọc giúp sinh viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu
- Đọc sách là phương pháp phổ biến nhất của việc tự học, thư viện cần hướng dẫn và giáo dục cho bạn đọc phương pháp đọc sách hay nói một cách khác là nghệ thuật đọc sách. Để đọc sách và ghi nhớ được các thông tin trong tài liệu bạn đọc cần phải: Xác định mục đích đọc sách; Tra cứu tìm hiểu địa chỉ, vị trí cuốn sách; Xem mục lục, xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu; Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách; Đọc thực sự (hay đọc đi sâu).
Ta có thể phân các tiêu chí đọc sách trên thành 3 nhóm phương pháp chính:
- Nhóm thứ nhất, gồm có phương pháp đọc lướt, phương pháp đọc chậm không đọc toàn bộ, phương pháp đọc có nghiền ngẫm, đúc kết nội dung sách.
+ Phương pháp đọc lướt là phương giúp cho bạn đọc nắm lấy những vấn đề quan trọng nhất đối với mình như ý chính, sự kiện chính,... khái quát sơ bộ cuốn sách. Chính vì thế cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ hướng dẫn đọc sách báo,… đã áp dụng rất phổ biến phương pháp đọc lướt này.
+ Phương pháp đọc chậm nhưng không đọc toàn bộ, phương pháp này đọc có trọng tâm, trọng điểm không đọc lướt nhanh, nhưng đọc kỹ có bỏ đoạn.
Ví dụ: Khi đọc các cuốn tiểu thuyết lịch sử có thể bỏ qua những đoạn phụ lục lịch sử.
+ Phương pháp đọc có nghiền ngẫm đúc kết nội dung cuốn sách. Đây là phương pháp đọc sách tốt nhất, giúp cho bạn đọc phân tích, phê bình, nhận thức tài liệu thực tế và chủ đề tư tưởng của tác giả.
- Nhóm thứ hai, phương pháp đọc chủ động: Đọc sách có chủ động là phương pháp đọc sách có ý thức, vì sách phản ánh và cung cấp những kiến thức có sẵn, đây là tài liệu giúp bạn đọc nghiên cứu nghiêm túc.
Đối với lối đọc sách chủ động đòi hỏi bạn đọc phải có ý thức, những sự việc trình bày trong sách là tài liệu khởi động tư duy của bạn đọc.
- Nhóm thứ ba, phương pháp đọc sâu: Đây là phương pháp đọc sách phải vận dụng nhiều yếu tố tinh thần vào sự động não để liên hệ cái chúng ta đang đọc và cái đã có trong tiềm thức, khi đó đọc càng sâu hơn.
Để giúp bạn đọc tự học đạt kết quả tốt thư viện cần phải giáo dục bạn đọc chọn phương pháp trong một số phương pháp đọc sách phù hợp với khả năng và phù hợp với mục đích của đọc giả.
Ngoài phương pháp đọc sách, thư viện có thể hướng dẫn bạn đọc các phương pháp ghi chép cho bạn đọc trong công tác tự học, tự nghiên cứu.
4. Phương pháp ghi chép để tự học
Ghi chép là phương pháp có tác dụng tổ chức giảm nhẹ trí óc, mặt khác còn có tác dụng động viên sự chú ý của bạn đọc. Ghi chép giúp cho việc ghi nhớ được dễ dàng hơn. Phương pháp ghi chép có tác dụng giúp cho bạn đọc tránh được những trường hợp nhớ không chính xác.
Ghi chép là phương pháp tốt nhất để thu thập và tích luỹ kiến thức cần cho sinh viên trong việc tự học, tự nghiên cứu. Phương pháp ghi chép là phương pháp học tập rất cần thiết đối với tất cả mọi người, học sinh, sinh viên, cán bộ...
Ghi chép bao gồm những hình thức sau đây: Dàn bài, đề cương, sao chép, trích dẫn, trích yếu...
+ Dàn bài: Là ghi tóm tắt những ý chính trình bày trong một chương hoặc cả cuốn sách; dàn bài là việc liệt kê vấn đề, chứ không trình bày tài liệu. Nếu làm dàn bài tốt chứng tỏ đã nắm được kết cấu của toàn cuốn sách và hiểu được nội dung cơ bản của cuốn sách.
+ Đề cương: Là dung hoà giữa dàn bài và toát yếu. Dàn bài thì liệt kê theo thứ tự các vấn đề trình bày trong sách, còn đề cương có ghi nội dung cơ bản của cuốn sách.
Để xây dựng đề cương cần phải đi sâu phân tích điều đã đọc, hiểu biết phân tích những điểm chính của tài liệu nghiên cứu. Đề cương là hình thức ghi chép tiện nhất cho việc tự học.
+ Sao chép: Là ghi đúng từng chữ, chép nguyên văn một đoạn nào đó trong sách. Sao chép thuận lợi trong việc cần thu thập tài liệu theo nhiều nguồn khác nhau như các định nghĩa, các câu trích dẫn, …
Xây dựng và phát triển một đội ngũ sinh viên nhiều tài năng và đạo đức là một việc làm không chỉ của riêng nhà trường, của sự quan tâm của xã hội mà cơ bản là ở chính bản thân mỗi sinh viên. Mỗi người cần phải ý thức như các sinh viên Nhật Bản “Đất nước mình rất nghèo và mình chỉ có con đường duy nhất là học tập để thoát khỏi nó”.