Thực hiện Kế hoạch số
126/KH-ĐHV ngày 07/11/2023 của Nhà trường về việc Ký kết Thỏa thuận tham gia kết
nối thư viện số dùng chung và Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở, ngay
sau Lễ Ký kết thỏa thuận, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào được
Nhà trường giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức 2 buổi (chiều ngày 14 và sáng
15/11/2023) Tập huấn khai thác tài nguyên giáo dục mở cho cán bộ, viên chức và
sinh viên của Nhà trường.
Tham dự
Tập huấn có: Thiếu tá Trương Xuân Đề, Giám đốc Thư
viện Quân khu 4; đại diện Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị: Viện Nghiên cứu và Đào
tạo Trực tuyến, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Trung tâm TT-TV Nguyễn Thúc Hào;
Nhóm Chuyên gia của Nhà trường và những người quan tâm.
Chương
trình tập huấn được ông Lê
Trung Nghĩa - Chuyên gia của Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên
giáo dục mở trực tiếp trao đổi, hướng dẫn. Nội dung được chia
thành 2 buổi: Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở” và “Tập huấn chuyên sâu kỹ
năng khai thác tài nguyên giáo dục mở”.
(Ông Lê
Trung Nghĩa - trình bày Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở)
Nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên, sinh viên
nắm được tổng quan về tài nguyên giáo dục mở, sử dụng một số công cụ để thực
hành hiệu quả, hợp pháp việc cấp phép mở và khai thác tài nguyên giáo dục mở
như tìm kiếm, sử dụng, sử dụng lại, tạo lập, sửa đổi, pha trộn, chia sẻ tài
nguyên giáo dục mở với các dạng nội dung: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và
dữ liệu… ông Lê Trung Nghĩa - Chuyên gia Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển
tài nguyên giáo dục mở đã trao đổi các vấn đề về: Triết lý của nguồn mở; Các
khái niệm cơ bản về tài nguyên giáo dục mở; Hệ thống giấy phép của thế giới mở;
Khai thác tài nguyên giáo dục mở; Khía cạnh tài chính và mô hình kinh doanh của
nguồn mở; Chính sách tài nguyên giáo dục mở và khoa học mở trên thế giới; Chính
sách và hoạt động tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam; Kịch bản giả tưởng cho
giáo dục Việt Nam.
(Đại biểu tham dự buổi: Tổng quan về
tài nguyên giáo dục mở)
Sau phần Tổng quan, sáng ngày 15/11/2023, để đảm bảo mục đích, nội
dung và thực hiện hiệu quả việc khai thác tài nguyên giáo dục mở, Nhà trường đã
triệu tập các thành phần có chuyên môn liên quan để tập huấn chuyên sâu. Đồng
thời, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào tổ chức và
làm đầu mối thực hiện việc hỗ trợ sau tập huấn. Cụ thể, sau khi
được tập huấn, những cán bộ, viên chức này sẽ làm nòng cốt để hướng dẫn, hỗ trợ
cán bộ, giảng viên, người học của Nhà trường và những
người quan tâm về kiến thức, kỹ năng khai thác
các nguồn tài nguyên giáo dục mở để phục vụ cho hoạt động học tập, giảng dạy,
nghiên cứu…
(Cán bộ tham dự tập huấn)
Phần tập
huấn chuyên sâu được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chuyên gia Lê Trung Nghĩa,
gồm các nội dung:
1. Cấp phép mở bằng công cụ chọn/sinh giấy phép.
2. Chia sẻ tài nguyên được cấp phép mở trên
Internet.
3. Khai thác tài nguyên giáo dục mở qua việc tạo
video sạch về bản quyền.
1. Tìm kiếm và tải về sử dụng nội dung được cấp
phép mở CC:
(a) Hình ảnh các kho: Các công cụ tìm kiếm ảnh
của Creative Commons và Google, dự án Noun Project;
(b) Video với các kho: YouTube và Vimeo (Vimeo
Creative Commons) cùng với việc tạo lập tài khoản người sử dụng trên Vimeo
Creative Commons;
(c) Âm thanh các kho: YouTube, Musopen,
ccMixter;
(d) Văn bản các kho: sách, sách giáo khoa, tạp
chí: OpenStax, LibreText, Open Texbook Library, BCCampus, Edtech Books, Global
Digital Library, DOAB, DOAJ, công cụ Unpaywall .v.v. và một số kho phần cứng
nguồn mở;
(e) Dữ liệu: Zenodo, OpenAIRE, European Open
Data Portal .v.v.
2. Tạo lập, tùy biến, sửa đổi, pha trộn: các
công cụ:
(a) Văn bản: Soạn thảo văn bản mẫu để cấp phép
mở bằng LibreOffice Writer; Làm sách điện tử ePub trong LibreOffice Writer với
Writer2ePub;
(b) Hình ảnh: Sử dụng Screenshot để chụp màn
hình các kiểu/dạng khác nhau;
(c) Âm thanh: Sử dụng Audacity để soạn thảo âm
thanh và ghi âm;
(d) Video: Sử dụng Vokoscreen và Kazam để ghi lại
các hoạt động hoặc bài giảng trên màn hình máy tính, cả hình ảnh, âm thanh và
các chuyển động. Sử dụng OpenShot để soạn thảo video từ các tài nguyên được cấp
phép mở có sẵn trong các kho trên Internet và các tài nguyên tự mình tạo ra; tải
video được tạo ra lên YouTube và Vimeo Creative Commons; cấp phép cho video được
tạo ra; chia sẻ video được tạo ra trên Internet.
Một số
hình ảnh buổi tập huấn
(HND- Thư viện NTH)