Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL, ngày 23
tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch
triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030 và Chương trình công tác năm 2024 của đơn vị, từ ngày
26-27/6/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thư viện Quốc gia Việt
Nam (TVQG) tổ chức lớp Tập huấn "Chuẩn hóa dữ liệu thư mục - Yêu cầu và
Phương pháp".
Toàn cảnh lớp Tập huấn Chuẩn hóa dữ liệu thư mục - Yêu
cầu và Phương pháp
Tham dự khóa Tập huấn của Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc
Hào, Trường Đại học Vinh có đồng chí Nguyễn Đức Bình, Giám đốc; Về phía đại biểu
tham dự, có ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Đắk Lắk, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, ông Vũ
Hùng Cường - Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cùng đại diện lãnh đạo
và viên chức làm công tác chuyên môn đến từ các thư viện công cộng, thư viện đại
học, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang trong toàn quốc… Về
phía Ban Tổ chức, có ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc TVQG, các giảng viên, báo
cáo viên tham gia tập huấn…
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt
Nam phát biểu khai mạc lớp Tập huấn
Trong lĩnh vực thông tin - thư viện, chuẩn hóa dữ liệu là một
trong những khâu quan trọng để các thư viện thực hiện liên thông, chia sẻ,
chuyển đổi số. Bên cạnh các tiêu chuẩn, các quy định kỹ thuật và các quy phạm
thực hành là những công cụ quan trọng đảm bảo chuẩn hoá trong xử lý tài liệu.
Các quy định cụ thể được thể hiện qua các quy tắc biên mục, các khung/bảng phân
loại, các bảng tiêu đề chủ đề, hệ thống các thuật ngữ, các quy định về trình tự
và thủ tục, khổ mẫu biên mục đọc máy ...
Dữ liệu cần chuẩn hóa trước tiên bao gồm dữ liệu thư mục của
nguồn tài nguyên thông tin truyền thống và siêu dữ liệu cho tài nguyên số.
Trong các năm vừa qua, TVQG đã tổ chức tập huấn về Số hóa tài liệu; Xử lý,
chuẩn hóa dữ liệu tài nguyên số. Năm 2024, lớp tập huấn "Chuẩn hóa dữ liệu
thư mục - Yêu cầu và Phương pháp" được tổ chức nhằm tập trung vào yêu cầu
chuẩn hóa trong mô tả, truy cập tài nguyên, xử lý tài liệu, thống nhất tạo lập
biểu ghi, dữ liệu thư mục, đồng thời trang bị cho người làm công tác thư viện
kiến thức về chuẩn hóa, xử lý hồi cố dữ liệu thư mục, đảm bảo sự đồng bộ về dữ
liệu, tối ưu hóa quy trình xử lý, sẵn sàng cho việc tạo lập mục lục liên hợp
quốc gia, chia sẻ và liên thông thư viện.
Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tỉnh Đắk Lắk phát biểu chào mừng lớp Tập huấn
Trong thời gian 02 ngày diễn ra tập huấn, các giảng viên, báo
cáo viên đã chia sẻ và trao đổi với các học viên 04 bài giảng về “Chuẩn hóa và
yêu cầu chuẩn hóa trong xử lý tài liệu”, “Biên mục đọc máy và phương pháp tạo
lập biểu ghi theo MARC 21”, “Mối quan hệ giữa một số nhóm trường trong biểu ghi
MARC 21”, “RDA - Quy tắc biên mục mô tả và truy cập tài nguyên (Ấn bản Tiếng
Việt mở rộng 2015” và 03 chuyên đề, bao gồm: “Biên mục trực tuyến thế hệ mới -
Dịch vụ biên mục và siêu dữ liệu OCLC”, “Các nguyên tắc biên mục tài liệu số
phục vụ cho kết nối, chia sẻ tài nguyên giữa các thư viện”, “Chuyển đổi số thư
viện - Mô hình và Dịch vụ kho tri thức số”.
ThS. Doãn Anh Đức - Trưởng phòng Lưu chiểu (TVQG), giảng
viên lớp Tập huấn
ThS. Lê Thị Khánh Vân - Trưởng phòng Phân loại, Biên mục
(TVQG) giảng viên lớp Tập huấn
Song hành với các bài giảng trực tiếp, tài liệu tập huấn “Chuẩn
hóa dữ liệu thư mục - Yêu cầu và Phương pháp” cung cấp cho học viên các nội
dung về yêu cầu chuẩn hóa trong mô tả, truy cập tài nguyên, xử lý tài liệu,
thống nhất tạo lập biểu ghi, dữ liệu thư mục được biên soạn dựa trên cơ sở một
số tài liệu như: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục, Tài liệu tập huấn biên
mục theo MARC 21, RDA Mô tả và Truy cập tài nguyên, Understanding MARC
Bibliographic: Machine-Readable Cataloging… và tham khảo các dữ liệu thông tin
thư mục thực tế của các thư viện trong nước và thế giới.
Với tinh thần học hỏi nghiêm túc nhưng cũng rất cởi mở, thân
thiện, các học viên cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm cũng
như các giải pháp khả thi để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác
xử lý và chuẩn hóa dữ liệu. Những phản hồi tích cực về nội dung, chương trình
tập huấn từ các đại biểu và học viên tham gia vừa là sự ghi nhận đồng thời là
nguồn động viên, khích lệ đối với Ban Tổ chức nhằm nỗ lực chuẩn bị những nội
dung tập huấn thiết thực và chất lượng cho những năm tiếp theo.
Nhân dịp này, OCLC (Trung tâm Thư viện Máy tính Trực tuyến) cùng
với Công ty IDT – đại diện ủy quyền OCLC tại Việt Nam đã trao tặng TVQG 01 gói
tài trợ dịch vụ dữ liệu, qua đó các biểu ghi thư mục của Bộ sưu tập “Tài liệu
Đông Dương” sẽ được tải lên hệ thống Mục lục liên hợp toàn cầu WorldCat nhằm
tăng tính tiếp cận của các tài liệu này tới các thư viện trên thế giới cũng như
cộng đồng người dùng toàn cầu.
Lãnh đạo TVQG, Lãnh đạo OCLC và IDT chung tay hướng tới việc
đưa Bộ sưu tập “Tài liệu Đông Dương” hiện đang lưu giữ tại TVQG lên WorldCat
Phát biểu tổng kết và bế mạc, ông Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc
TVQG đánh giá cao quá trình học tập nghiêm túc của các học viên, sự chuẩn bị
công phu và nhiệt tình giảng dạy của các giảng viên, báo cáo viên, đồng thời
trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Lãnh đạo
UBND tỉnh, Sở VHTTDL, Thư viện tỉnh Đắk Lắk và hy vọng rằng, sau khoá học, với
những kiến thức đã thu được, các học viên có thể áp dụng vào hoạt động chuyên
môn thực tiễn của đơn vị và mang lại hiệu quả cao.
Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã trao chứng chỉ cho hơn 200
học viên tham gia lớp Tập huấn.
Hình ảnh cùng sự kiện:
Văn nghệ
chào mừng khai mạc lớp Tập huấn của Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Đại
biểu và các học viên tham dự lớp Tập huấn
Giảng
viên, báo cáo viên của lớp Tập huấn
Các
học viên phát biểu, trao đổi tại lớp Tập huấn
Ban Tổ
chức trao chứng chỉ cho các học viên hoàn thành chương trình tập huấn
Bài và ảnh: Nguyễn Đức Bình - Thư viện NTH