Trong chuyến công tác tại Trường Đại học Vinh vào cuối tháng 11/2023, Bà Justyna Pabian - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nước Cộng hòa Ba Lan đã đến thăm và trao trao tặng “Góc sách Ba Lan” gồm 50 đầu sách với gần 500 cuốn nói về văn hoá và con người Ba Lan cho Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào.

        Trong số “Góc sách Ba Lan”, “Bieguni, những người không ngừng chuyển động” của nữ tác giả Olga Tokarczuck là một trong những tác phẩm tiêu biểu, đạt giải Nobel văn học năm 2018. “Tokarczuck tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, khiến vũ trụ thu nhỏ của bà trở thành tấm gương phản chiếu vũ trụ rộng lớn”. Tác phẩm đưa độc giả vào cuộc hành trình hiếm thấy qua các địa điểm và thời gian khác nhau với lối mô tả thế giới quanh ta bằng phương pháp hết sức đặc biệt, thông minh và nhạy cảm.

    

(Tác phẩm đạt giải Nobel Văn học năm 2018)

Vài nét về tác giả

        Olga Tokarczuck, sinh năm 1962 tại Sulechov, Lublin, Ba Lan; nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà thơ, tác giả kịch bản sân khấu và điện ảnh; đạt Giải thưởng Nobel Văn học năm 2018.

 

    

Tác giả Olga Tokarczuck (Từ năm 1901 cho đến thời điểm này, Olga Tokarczuck là 1 trong 14 nữ văn sĩ đoạt Nobel Văn học trên tổng số 113 tác giả đã nhận Giải Nobel Văn học)

 

        Ngày 10 tháng 10 năm 2019 Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố quyết định trao tặng giải thưởng Nobel Văn học năm 2018 cho Olga Tokarczuk. Giáo sư Per Wastberg, chủ tịch Ủy ban Nobel, trong buổi lễ trao giải đã tôn vinh Tokarczuk: “Chúng ta có nhà văn tầm cỡ thế giới, người miêu tả thế giới bằng phong cách đầy chất thơ và khác thường”. Olga Tokarczuk được vinh danh “vì trí tưởng tượng dựa trên các quan sát tinh tế, kết hợp với sự say mê của bộ óc bách khoa, bà chỉ ra cho chúng ta thấy việc vượt qua các ranh giới như là một dạng của cuộc sống”.

        Ủy ban Nobel đánh giá: “Bà chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định và tồn tại vĩnh hằng. Bà viết các tiểu thuyết của mình trong sự va đập tột đỉnh giữa các nền văn hóa đối lập, giữa tự nhiên và văn hóa, lí trí và điên rồ, nam và nữ, gia đình và cô lập”. Trong lễ nhận giải bà nói: “Văn học được xây dựng trên tính nhạy cảm đối với mỗi sự sống khác biệt với chúng ta. Đó chính là hệ tâm lí cơ bản của tiểu thuyết. Nhờ công cụ tuyệt vời này, nhờ phương pháp truyền đạt thông tin hết sức tinh tế của con người, kinh nghiệm của chúng ta có cuộc hành trình qua thời gian và đến được với những người còn chưa ra đời, nhưng một lúc nào đó họ sẽ đọc cái mà chúng ta viết ra, kể về chính chúng ta và về thế giới của chúng ta”.

        Olga Tokarczuk được vinh danh với hai tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của bà là Bieguni, những người không ngừng chuyển động, xuất bản năm 2007 và Bộ sách lớn của Jakub, xuất bản năm 2014.

        Olga Tokarczuck là một trong những nhà văn được đánh giá cao trên thế giới và là nhà văn nhận được nhiều giải thưởng ở trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây. Cho đến tháng 10 năm 2019 sách của bà đã được dịch ra 37 thứ tiếng.

 

(Olga Tokarczuk, người Ba Lan là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 và Peter Handke, người Áo là chủ nhân Nobel Văn học 2019)

 

Vài nét về tác phẩm

        Bieguni, những người không ngừng chuyển động ra đời đã giúp Tokarczuk nhận giải thưởng Văn học “Nike” (2008) và giải thưởng danh giá “The Man Booker International Prize” (2018). Nó cùng với "Księgi Jakubowe” (2014) đã góp phần quan trọng để Olga Tokarczuk nhận Giải thưởng Nobel Văn học.

        Bieguni, những người không ngừng chuyển động gồm hơn 100 mẩu chuyện được ghi lại thông qua nhân vật tôi về những chuyến đi của tác giả, từ các cung điện xưa, qua các phòng trưng bày đồ cổ, đến các nhà ga sân bay…

        Tác phẩm này không có biên giới, chuyện xảy ra trên toàn thế giới. Olga Tokarczuk nói: “Văn học là phương cách an toàn nhất để vượt qua mọi ranh giới”. Bà đã mô tả thế giới quanh ta bằng phương pháp hết sức đặc biệt, thông minh và nhạy cảm. Bà đã dành ra ba năm để hoàn thành tác phẩm này. Bà kể rằng phần lớn các ghi chép được bà thực hiện trong các chuyến đi. “Song đây không phải là cuốn sách về du lịch. Trong đó không miêu tả di tích và địa điểm. Đó không phải là nhật ký du lịch và cũng không phải là phóng sự. Tôi chỉ muốn nhìn kỹ cái được gọi là du lịch, là chuyển dịch, là thay đổi chỗ. Điều đó có ý nghĩa gì? Nó mang lại cho chúng ta cái gì?” Bà viết trong phần giới thiệu cuốn sách xuất bản lần thứ nhất. Như bà nói “Viết tiểu thuyết đối với tôi là kể chuyện cổ tích cho chính bản thân mình ở tuổi trưởng thành. Giống như trẻ con vẫn làm trước khi chúng đi ngủ. Ngôn ngữ được dùng nằm giữa mơ và thực, vừa miêu tả vừa bịa đặt”.

        Trong tiểu thuyết phân mảnh Bieguni, những người không ngừng chuyển động - Một thách thức mới cho người đọc vốn quen thể loại tiểu thuyết truyền thống, Tokarczuk tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, khiến vũ trụ thu nhỏ của bà trở thành tấm gương phản chiếu vũ trụ rộng lớn. Tên gọi bieguni, như tác giả giải thích, xuất phát từ các từ bieg (chạy) và ucieczka (chạy trốn). Trong chúng ta có bao nhiêu phần giống họ? Từ các cung điện xưa của vua một nước Hồi giáo nhỏ bé, qua các phòng trưng bày đồ cổ thế kỷ XVII, đến các nhà ga hiện đại ở sân bay, Olga Tokarczuk đưa độc giả vào cuộc hành trình hiếm thấy qua các địa điểm và thời gian khác nhau. Tác giả mời chúng ta cùng chế ngự thực tế mơ hồ, chắp vá, vứt bỏ những lối mòn quen thuộc. Bà thường được nhắc đến với giọng điệu huyền bí trong các tác phẩm của mình. Chính trong tác phẩm này bà thổ lộ: “Trong những trang viết của tôi cuộc sống biến đổi thành những câu chuyện không đầy đủ, những lời nói mơ mộng, những chủ đề không rõ ràng, xuất hiện từ xa trong những viễn cảnh không bình thường và luôn di động hoặc trong những lát cắt ngang, và khó đưa ra được những kết luận nào đó về toàn bộ”.

 

 

        Tác phẩm "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" là một cuốn tiểu thuyết rất được quan tâm trong những năm gần đây. Nó được coi là một cuốn sách đáng kinh ngạc, xuất sắc và được viết theo một cảm hứng rất đặc biệt. Đặc biệt vì tác giả đã đưa ra những câu chuyện liên quan đến chuyển động rất đời thường nhưng bức tranh tổng thể khi ghép những câu chuyện này lại thì lại rất huyền bí, ma thuật. Những câu chuyện không có những nhân vật cụ thể, không có ranh giới về thời gian và không gian, được cài đặt giữa cũ và hiện đại, thực và huyền thoại, giữa lục địa, đảo và thành phố. Cái trục xoay quanh mà tác giả xây dựng cuốn sách không phải là một nhân vật hay một câu chuyện, mà là một hiện tượng - hiện tượng du hành.

        Giáo sư Per Wastberg, Chủ tịch Ủy ban Nobel về văn học phát biểu: “Vì trí tưởng tượng dựa trên các quan sát tinh tế, kết hợp với sự say mê của bộ óc bách khoa, bà chỉ ra cho chúng ta thấy việc vượt qua các ranh giới như là một dạng của cuộc sống. Bà chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định và tồn tại vĩnh hằng”.

        Nhà phê bình văn học Janowska viết trong tạp chí Onet.kultura “Chắc chắn cuốn sách nên đọc trước tiên của Olga Tokarczuk là Bieguni, những người không ngừng chuyển động”. Lisa Appignanesi, Chủ tịch Hội đồng The Man Booker International Prize, đồng thời là Chủ tịch Hội Văn học Hoàng gia Anh nói: “Bieguni, Những người không ngừng chuyển động tràn đầy năng lượng, là cuốn sách tỏa sáng chói lọi, rất dí dỏm hài hước và hết sức cuốn hút...  Việc nữ nhà văn Ba Lan nhận được giải thưởng cao quý đó không làm tôi bất ngờ. Văn của Tokarczuk có tính chất phổ cập rộng rãi một cách khác thường. Nó không gắn với bất kỳ địa điểm nào, đất nước nào hay dân tộc nào, nó nói đến con người ở mọi nơi trên thế giới. Tôi vô cùng vui mừng. Hơn nữa, rõ ràng là văn của bà cũng là biểu tượng của tự do, giá trị khiến người ta liên tưởng đến thành phố Gdansk, nơi hiện nay tôi sinh sống”.

        Ngay cái tên của tác phẩm cũng mang một nét độc đáo (trong bản in bằng tiếng Ba Lan chỉ là “Bieguni”), không thể dịch ra từ gì. Trong bản dịch tiếng Việt, dịch giả Nguyễn Anh Thái đã phải thêm vào “Những người không ngừng chuyển động” nhằm để cắt nghĩa, giúp người đọc không phải đau đầu tìm hiểu.

 

(Dịch giả Nguyễn Văn Thái nhận hoa chúc mừng tại buổi giới thiệu tác phẩm dịch ở Warszawa, Ba Lan)

 

        Tác phẩm dày gần 500 trang, được Nguyễn Văn Thái dịch sang tiếng Việt và được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành trên toàn quốc. Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào hy vọng bạn đọc đón nhận tiểu thuyết Bieguni, những người không ngừng chuyển động để thấy được sự khác biệt trong tư duy, trong nhận thức, trong cách nhìn nhận thế giới ngày càng phát triển (Bài viết có sử dụng một số thông tin và hình ảnh từ https://baochinhphu.vn và https://nxbphunu.com.vn).

 

(Bieguni, những người không ngừng chuyển động (Mã số XH.035678), trưng bày tại “Góc sách Ba Lan”, Phòng đọc KHXH & Nhân Văn, Tầng 3, Thư viện NTH)

 

Trân trọng giới thiệu !

 

(Ngọc Diệp & Thanh Hằng - Thư viện NTH)