Trong chương trình Tập huấn về Phát triển Văn hóa đọc với chủ đề: “Kỹ năng đọc - nhớ hiệu quả” của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai năm 2023, có nhiều nội dung được triển khai nhằm trang bị cho người làm công tác thư viện những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ để góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung và nhà trường nói riêng. Với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp thông tin và trao đổi, chia sẻ cùng bạn đọc các nội dung về việc hình thành thói quen đọc sách.

 

 

Trước hết, chúng ta cần khẳng định: Sách là tài sản quý giá đối với mỗi con người và toàn nhân loại. Đọc sách là một cách để con người tự học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, đồng thời, giúp mỗi người luôn theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để giúp ích cho xã hội.

Người phương Đông có câu: “Thư trung hữu ngọc”, tức là trong sách có ngọc quý. Quả vậy, những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt nhất đều nói rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và định hình tư duy của họ là việc đọc sách. Sách là nguồn tri thức vô tận, vô giá của nhân loại mà mỗi người có thể tự học hỏi, tìm tòi tri thức trong suốt cuộc đời của mình. Càng đọc sách càng thấy thế giới rộng lớn, sự hiểu biết của con người chỉ là hữu hạn trong thế giới mênh mông lớn rộng đó. Lê-nin từng khẳng định: “Không có sách thì không có tri thức”. Bởi vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên kêu gọi cán bộ và nhân dân hăng say đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Người từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách”. Lời dạy của Người vô cùng ý nghĩa, còn nguyên giá trị ở mọi thời đại và bản thân Người là một tấm gương sáng về việc đọc sách. Đọc sách là một cách để con người tự học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, đồng thời, giúp mỗi người luôn theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để giúp ích cho xã hội cũng như góp phần phát triển văn hóa xã hội.

 

 

Chúng tôi xin được cung cấp các thông tin và trao đổi, chia sẻ cùng bạn đọc một số nội dung về việc hình thành thói quen đọc sách và phương pháp đọc nhanh nhớ lâu như sau:

1. Nguyên lý hình thành thói quen

Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do tích lũy mà có. Đó là kết quả tạo thành khi một hành vi được cài đặt vào tiềm thức nhiều lần một cách có ý thức hay vô thức. Dựa vào lợi ích hoặc tác hại do thói quen mang lại, có thể chia thói quen thành hai loại: thói quen xấu và thói quen tốt. Mỗi người đều có lối sống, thói quen và sở thích riêng rất khác nhau và việc thay đổi những thói quen của một con người rất khó khăn.

 

 

Hành vi: Được xuất phát từ suy nghĩ, thúc đẩy bởi cảm xúc và thể hiện qua ngôn từ, hành động. Có những hành vi tốt giúp bạn phát triển, thành công. Và ngược lại, cũng có những hàng vi không tốt, gây nguy hại đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, chất lượng mối quan hệ, công việc và sự nghiệp.

Cài đặt tiềm thức: Thông qua các quy luật vận hành của tâm thức, dữ liệu thông tin sẽ được ghi nhớ, cài đặt vào trong tiềm thức.

Chuỗi phản xạ của thói quen: Thói quen là một chuỗi phản xạ gồm 3 yếu tố: Khi tín hiệu kích hoạt bắt đầu xuất hiện, tâm thức ngay lập tức phân tích lợi ích đạt được giữa các phương án, sau đó lựa chọn hành động. Hành động được thúc đẩy lặp đi lặp lại nhiều lần, dần hình thành nên thói quen vững chắc.

Ví dụ 1: Lưu thông trên đường, gặp đèn đỏ

Tín hiệu kích hoạt

Đèn đỏ

Hành vi

Vượt đèn đỏ

Dừng lại

Lợi ích đạt được

Không phải chờ, kịp giờ, thích thú

Không bị phạt, an toàn

Thói quen hình thành

Vi phạm luật giao thông (xấu)

Chấp hành luật giao thông (tốt)

 

Ví dụ 2: Nhìn thấy một cuốn sách

Tín hiệu kích hoạt

Cầm cuốn sách lên

Hành vi

Xem qua mục lục, đọc ngấu nghiến vài trang rồi bỏ ngang

Làm quen, lật sách, lướt nhanh tổng quan

Lợi ích đạt được

Thỏa mãn sự hiếu kỳ ngay lập tức. Không bị mỏi mắt, dễ dang lướt hết cuốn sách

- Kết nối với sách

- Đọc hiểu và nhớ sâu

- Không bị mỏi mắt

Thói quen hình thành

Xem sách rồi không đọc nữa (xấu)

Thích đọc sách (tốt)

 

2. Những thói quen đọc sách cũ

Theo năm tháng, cùng với quá trình lớn lên, mỗi người chúng ta sẽ dần hình thành nên những tính cách, thói quen khác nhau. Vậy, đâu là những thói quen đang cản trở việc đọc sách hiệu quả của bạn? Đó có thể là:

- Nằm đọc sách

- Đọc sách quá nhiều/lâu không nghỉ ngơi

- Đọc sách khi đang trên xe

- Đọc sách trong khi đang đi vệ sinh

- Đọc sách ngay dưới ánh sáng chiều trực tiếp

- Đọc từng chữ

- Đọc đi đọc lại

- Đọc không hoàn thành cuốn sách

- Đọc sách online nghe sách nói

- Chỉ xem mục lục đọc một đoạn rồi thôi

- Cứ đọc sách là buồn ngủ

- Đọc sách trong khi vẫn xem điện thoại

- Vừa đọc sách này lại đọc sách kia

- Đọc thành tiếng đọc to

- Đọc sách cho dễ ngủ

- …

Như bạn đã biết, thói quen được hình thành do những hành vi được lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Vậy nên, muốn thay đổi thói quen để càng ngày càng trở nên tốt hơn thì bạn hãy thay đổi từ những hành vi chưa thực sự tốt của mình. Với việc đọc sách cũng vậy, chúng ta hãy liệt kê những thói quen cũ khi đọc sách và dùng bộ câu hỏi dưới đây để làm việc với từng thói quen:

- Đây có phải là thói quen tốt không?

- Nếu tiếp tục duy trì thói quen này thì việc đọc sách của bạn sẽ ra sao?

- Và điều gì xảy ra khi bạn thay đổi nó?

- Nếu bạn đã muốn thay đổi để có được thói quen tốt trong đọc sách thì làm thế nào để bạn thực hiện được?

Theo đó, thói quen nào đang cho bạn hiệu quả tốt, hãy tiếp tục duy trì và phát huy. Còn những thói quen chưa tốt, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu thay đổi từ những hành vi thường ngày của chính mình.

3. Thói quen đọc sách khác biệt

Theo nghiên cứu và khảo sát, các chuyên gia về phát triển văn hóa đọc cho biết, có nhiều thói quen phổ biến gây cản trở rất lớn tới việc đọc sách hiệu quả. Mà thói quen không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi được. Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen cũ là thay thế nó bằng một thói quen mới. Dưới đây là 10 thói quen cũ, hiệu quả thấp và giải pháp 10 thói quen mới giúp cải thiện năng suất đọc, hấp thu tri thức lên nhiều lần. Mời bạn cùng tham khảo:

THÓI QUEN CŨ

THÓI QUEN MỚI

- Cầm sách là đọc ngay

- Làm mềm lật sách trước khi đọc

- Đọc mọi tư thế khác nhau

- Vào tư thế ngồi đọc sách

- Chỉ đọc sách, không có công cụ gì

- Đọc sách kèm giấy bút màu

- Đọc từng từ

- Dùng bút chụp nhiều từ

- Đọc tự do theo ý thích

- Đọc theo kế hoạch

- Chỉ đọc thông qua mắt

- Kết hợp toàn thân tâm đọc sách

- Không hiểu xem lại ngay

- Tự ghi nhớ trước khi xem lại

- Kết thúc sau khi đọc

- Đúc kết và mã hóa sau khi đọc

- Dùng tư duy não trái đọc

- Rèn luyện não phải đọc sách

- Đọc để giải trí giết thời gian

- Đọc là để tu thân làm chủ cuộc đời

 

 

Thói quen đọc sách là thói quen tốt mà mỗi người nên rèn luyện cho bản thân. Bởi đọc sách không chỉ giúp bạn trau dồi kiến thức, mà còn hỗ trợ cải thiện các kỹ năng tập trung, phân tích. Vậy cần làm gì để hình thành thói quen đọc sách? Sau đây, chúng tôi xin được đề xuất một số hoạt động cụ thể cho việc hình thành thói quen đọc sách để bạn đọc tham khảo.

Tạo cảm giác hứng thú khi đọc sách: Việc đọc sách có thể hữu ích với người này, nhưng cũng có thể khiến người khác cảm thấy nhàm chán, lý do là vì không phải ai cũng có hứng thú và niềm đam mê với những cuốn sách. Việc đầu tiên bạn cần làm để hình thành thói quen đọc sách chính là tạo sự thoải mái cho bản thân. Bạn nên bắt đầu với những cuốn sách có nội dung đơn giản, hấp dẫn để giúp bản thân trở nên hứng thú và thư giãn hơn trong quá trình đọc sách.

Thiết lập thời gian đọc phù hợp: Dù là với hoạt động nào đi nữa, bạn đều cần thiết lập một khoảng thời gian riêng cho việc đó để dần khiến nó trở thành một thói quen. Nếu bạn quá bận rộn và không có nhiều thời gian, bạn chỉ cần dành ra ít nhất khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày để đọc sách.

Xem sách như người bạn đồng hành: Hãy luôn mang theo một cuốn sách yêu thích bên mình để bạn có thể đọc sách bất cứ lúc nào. Nếu bạn cảm thấy bất tiện khi mang theo những quyển sách dày cộp, bạn có thể lựa chọn những thiết bị điện tử chuyên dụng để đọc sách.

Chọn lọc sách hay để đọc: Khi bạn có sẵn một danh sách các cuốn sách hay bạn muốn đọc, bạn sẽ chú tâm hơn đến việc đọc sách mà không phải lo lắng rằng đọc hết quyển sách này thì phải đọc quyển nào tiếp theo. Nó sẽ giúp việc đọc sách của bạn liền mạch, thông suốt, không bị gián đoạn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Nghiêm túc với việc đọc sách: Nếu bạn chỉ đọc sách khi bạn có hứng thú hay khi bạn có thời gian rảnh, thì việc đọc sách sẽ không đạt hiệu quả cao, đồng thời cũng không mang lại lợi ích gì cho bạn. Khi bạn muốn hình thành thói quen đọc sách cho bản thân, bạn cần phải đặt ra mục tiêu, xác định phương hướng, từ đó lên kế hoạch cụ thể những việc cần làm với thời hạn rõ ràng. Bạn cần phải nghiêm túc với việc đọc sách, để có thể đạt được mục tiêu và hoàn thành kế hoạch đã đề ra. 

Lựa chọn không gian đọc yên tĩnh: Không gian là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình đọc sách. Một không gian yên tĩnh, thoáng mát, không quá đông người sẽ giúp việc đọc sách của bạn đạt hiệu quả cao hơn. Bạn có thể đọc ở phòng riêng tại nhà, đến thư viện hoặc ra các quán cafe sách.

Lựa chọn sách giấy để đọc: Việc đọc sách giấy truyền thống sẽ giúp bạn tránh xa những thiết bị điện tử gây phân tâm như máy tính, điện thoại, tivi… Đồng thời, bạn có thể ghi chú trực tiếp vào cuốn sách mình đang đọc những thông tin quan trọng cần lưu ý. Bằng cách này, bạn đang tạo ra cuộc hội thoại hai chiều với cuốn sách và cả tác giả, giúp việc nắm bắt nội dung hiệu quả hơn.

Viết review sách sau khi đọc: Sau khi kết thúc một cuốn sách, bạn hãy viết một bài tóm tắt ngắn gọn nội dung vừa đọc. Việc này sẽ giúp bạn kiểm tra thử mình đã thực sự tập trung đọc sách hay chưa cũng như lọc ra những phần hay nhất của cuốn sách. Đồng thời, bạn có thể chia sẻ những đoạn văn tóm tắt sách này cho người khác để tiếp thêm động lực đọc sách cho bản thân. Ngoài ra, việc viết review sách còn có thể hỗ trợ bạn nâng cao kỹ năng viết của mình. 

Mua sách và để dành ở nhà: Đây cũng là một phương pháp giúp bạn hình thành thói quen đọc sách. Khi bạn mua trước những cuốn sách mình thích, bạn sẽ không cần đắn đo, mất thời gian để tìm kiếm đầu sách mới sau khi đọc hết. Ngoài ra, khi bạn cảm thấy lười đọc sách, những cuốn sách chất đầy trên giá sẽ là động lực để bạn đọc hết chúng bởi vì bạn đã mua và không thể nào lãng phí số tiền mình đã bỏ ra.

Tuân thủ kế hoạch đọc sách mỗi ngày: Để tạo thói quen đọc sách không phải là điều dễ dàng, bạn cần phải lập một kế hoạch chi tiết và thực hiện theo đúng những mục mình đã đề ra. Ví dụ như mỗi ngày bạn phải đọc bao nhiêu trang sách, hôm nay bạn sẽ dành bao nhiêu phút để đọc sách, khung giờ nào bạn sẽ đọc sách… Giai đoạn đầu, bạn sẽ cảm thấy khó khăn và muốn bỏ cuộc, tuy nhiên, hãy cố gắng duy trì những điều bạn đã lên kế hoạch. Việc này không chỉ giúp bạn hình thành được thói quen đọc sách, mà còn rèn luyện thêm tính kỷ luật cho bản thân.

Với những nội dung trình bày ở trên, chúng tôi hi vọng, bài viết sẽ góp một phần nhỏ vào việc hình thành thói quen đọc sách và tuyên truyền, cổ động cho phong trào đọc sách trong cộng đồng học sinh, sinh viên của Nhà trường.

(Bài viết có tham khảo và sử dụng một số thông tin, hình ảnh từ Hội nghị Tập huấn Phát triển Văn hóa đọc của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao & du lịch, và các trang website: vinhuni.edu.vn, zalopay.vn).


Một số hình ảnh cán bộ Thư viện Trường ĐHV tham gia Hội nghị Tập huấn Phát triển Văn hóa đọc

 

 

 

 

 

 

(Kim Ngân & Nguyễn Mơ - Thư viện NTH)