Đời sống là một cuộc
hành trình. Trên hành trình ấy, chúng ta không thể kiểm soát được hết những gì
sẽ xảy ra, nhưng lại có thể lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Mỗi ngả rẽ
trong cuộc đời đều cất giấu trong nó những bí ẩn thẳm sâu. Ở đó, đôi lúc là
niềm vui, hy vọng và đam mê, cũng có khi lại là nỗi buồn, sự chán nản và thất
vọng.
Làm thế nào để biết
được đâu là con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc? Điều đó phụ thuộc vào
chính bản thân ta – chứ không phải ai khác – là người nắm giữ tương lai của
chính mình. Thay vì chỉ chú trọng đến việc thực hiện những kỳ vọng mà người
khác đặt ra cho mình, ta nên chủ động phát huy những giá trị của bản thân. Vì
vậy, chúng ta nên xác định mục tiêu cụ thể để phấn đấu, đồng thời tự tạo ra
những cơ hội lựa chọn mới cho bản thân. Khi không hiểu rõ điều gì thực sự cần
thiết cho mình, mọi thứ với ta sẽ rất dễ trở nên vô nghĩa. Tương tự, khi không
xác định được mình đang đi đâu, con đường chúng ta đi sẽ trở nên mịt mù, bất
trắc. Thành công và tương lai phụ thuộc vào lựa chọn hôm nay. Vì thế, hãy chuẩn
bị cho mình những hành trang cần thiết để vững tin trên con đường phía trước.
Đây cũng chính là thông
điệp mà tác giả David P. Campbell muốn gửi đến bạn đọc qua tác phẩm Hành trang
vào đời. Là một tiến sĩ tâm lý, David P. Campbell còn nổi tiếng là một chuyên
gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hướng nghiệp. Ông là thành viên của Trung
tâm nghiên cứu tài năng lãnh đạo ở Colorado Springs, Colorado. Năm 2006, ông
được đề cử cho giải Clifton Strengths nhờ những thành công trong việc nghiên
cứu sức mạnh tâm lý. Một số tác phẩm của ông, trong đó có Hành trang vào đời
(tựa gốc: If you don’t know where you are going, you will probably end up
somewhere else) được nhiều trường xem là cẩm nang hướng dẫn học sinh - sinh
viên lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất cho mình, dựa trên những đam mê thực sự của
bản thân.
Với những luận điểm
chặt chẽ, logic và dễ nắm bắt, Hành trang vào đời sẽ gợi mở cho độc giả những
hướng đi thiết thực, sao cho bên cạnh việc phát huy thế mạnh, chúng ta còn có
được niềm vui, cảm giác hạnh phúc, sự đam mê trong công việc và cuộc sống.
Thông qua đó, bạn đọc, đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi đang đứng trước chọn
lựa nghề nghiệp, có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để vững bước vào tương
lai.
- Một thanh niên vào đời muốn
tiến bộ nhanh, ít va vấp và thành công lớn trên đường đời cần có những
điều kiện gì?
- Những hành trang mà mỗi thanh
niên cần mang theo trên đường đời để tiến nhanh, tiến vững chắc tới cái
đích vinh quang của cuộc đời là gì ?
- Sống trên đời ai cũng muốn bản
thân, gia đình, con cháu mình có một cuộc đời tràn đầy hạnh phúc. Vậy thế
nào là một người hạnh phúc và làm thế nào để có hạnh phúc?
- Muốn làm kinh tế giỏi, muốn trở
nên giàu có, cần có những điều kiện gì? Hay là: Bí quyết làm giàu là gì?
- Nam nữ thanh niên, muốn xây
dựng được một gia đình hạnh phúc phải làm gì và làm như thế nào? Làm sạo
giữ được hạnh phúc bền lâu?
- Một con tàu đi giữa biển khơi
mà không có đích, nó đi về đâu? Giữa biển đời đầy phong ba bão táp, ta có
âm được cái đích vinh quang đẹp đẽ nhất cho đời để hướng mũi con tàu đời
ta về nơi ấy không? Làm sao để làu ta lướt sóng, lao nhanh tới đích ấy?
- "Không có cực hình nào ghê
gớm hơn là trong cảnh khốn khổ lúc cuối đời, ta ngồi nhớ lại thời hạnh
phúc xa xưa" (Dante). Làm thế nào để đến cuối đời, ta được sung
sướng, thanh thản nhìn lại những gian khổ mình đã vượt qua trên đường đời
mà ung dung tự đắc? Làm sao để tránh cảnh bệnh tật triền miên, tránh cảnh
con hư, con bất hiếu nhất là lúc cuối đời? Làm sao để “Thêm năm tháng cho
cuộc đời và thêm cuộc đời cho năm thăng" hay làm sao để sống lâu và
sống có ý nghĩa?
Và rất
nhiều câu hỏi khác có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra hạnh phúc và hưởng
hạnh phúc, nhất là hạnh phúc cuối đời của mỗi chúng ta.Cuộc đời của mỗi người
là một hành trình. Hành trình ấy chông gai hay suôn sẻ, khó khăn hay thuận lợi
đa phần do chính sự chuẩn bị, sự đầu tư, sự lựa chọn lúc ban đầu của mỗi cá
nhân. Hành trang mà bạn đã chuẩn bị cho hành trình vào đời của bạn là gì? Kiến
thức? Tình yêu? Trách nhiệm với cộng đồng? Quyết tâm và nghị lực? Hay bạn
sẽ vào đời chẳng qua chỉ vì bạn đã được (hoặc bị) ra
đời?
"Hành trang vào
đời" chỉ ra những cánh cửa trên hành trình đi đến tương lai,
dù bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Nhưng có lẽ lứa tuổi băn khoăn nhất
cho việc lựa chọn hành trang vào đời chính là lứa tuổi học trò.
Tác giả của cuốn sách Hành
trang vào đời David P.Campbell, vốn là một nhà tâm lý, sẽ trò chuyện
với người đọc về tầm quan trọng của việc định hướng, lựa chọn và chuẩn bị những
điều cần thiết trước ngưỡng cửa vào đời. Mỗi sự lựa chọn sẽ mở ra một cánh cửa,
mà ở đó hành trang cần có không chỉ là kiến thức, không chỉ là sự yêu thích
công việc, không chỉ là tình yêu thương... mà còn cả những vấn đề sát sườn cuộc
sống như rèn luyện những kỹ năng sống, ý thức được sự ảnh hưởng của bạn bè, gia
đình, tầm quan trọng của việc tích lũy kinh nghiệm...
Sách được kết bằng một trích
dẫn rất ý nghĩa: Hãy yêu cuộc đời vì nó đem đến cho ta cơ hội để sống
và làm việc, để yêu thương và mơ tưởng cùng các vì sao. (Henry Van Dyke).
Yêu thương và mơ ước - có lẽ đó chính là điều đầu tiên mà mỗi
người nên cóp nhặt, cất giữ và không bao giờ được phép đánh mất ngay trong
hành trang cuộc sống mỗi người.
Không thể chối cãi rằng kiến thức là
vô cùng quí giá đối với một tân cử nhân, nhưng có lẽ chúng ta đã không chú ý
nhiều lắm đến yếu tố con người, bởi vì khi bước chân ra đời và bắt đầu một công
việc thì chính các bạn mới là đối tác của mọi quan hệ, chứ không phải tấm bằng
cử nhân của các bạn.
Bạn mang hành trang gì khi vào đời?
Bước chân vào đời, ai cũng chuẩn bị cho mình một vài thứ hữu ích, nhưng hành
trang của mỗi người không ai giống ai, có người chỉ cần một ít vốn về vật chất,
có người mang trên vai những kiến thức đã từng được học, có người lại chẳng
biết mình sẽ cần gì trên con đường tiến tới tương lai.
Còn bạn, bạn mang hành trang gì khi vào đời?
Một ít tăm ... vì cái tăm sẽ nhắc bạn nhớ tìm và phát hiện những đức tính tốt
của mọi người, kể cả bản thân của bạn.
Một sợi dây cao su ... vì dây cao su sẽ nhắc bạn nhớ sống linh động.Mọi chuyện
trên đời không phải lúc nào cũng đi theo hướng bạn muốn, nhưng dù cách này hay
cách khác chúng ta vẫn giải quyết tốt được mọi vấn đề.
Một nụ hôn ngọt ngào... vì nụ hôn ấy sẽ nhắc bạn nhớ rằng mọi người cần nhận
được một lần ôm hôn hoặc một lời khen tặng mỗi ngày.
Một miếng băng dán ... vì miếng băng sẽ nhắc bạn nhớ hàn gắn những vết thương
lòng của bạn hoặc của ai đó.
Một cục tẩy ... vì cục tẩy sẽ nhắc bạn nhớ rằng ai đó cũng có thể phạm lỗi.
Không sao, chúng ta học từ những lỗi lầm.
Một cây kẹo gum bubble ... vì chất dính của kẹo gum sẽ nhắc bạn nhớ luôn bám
theo mục tiêu đã đề ra, đừng bỏ cuộc và bạn sẽ đạt được những điều mình mong
ước.
Một cây bút chì ... vì bút chì sẽ nhắc bạn nhớ viết ra những điều tốt bạn làm
hằng ngày.
Và hãy nhớ mang theo mình một túi trà... vì túi trà sẽ nhắc bạn nhớ hằng ngày
nên nghỉ ngơi, thư giãn và ôn lại danh sách những điều phúc lành mà Thượng đế
ban tặng.
Bạn có đem theo những vật đó không?
Cuốn sách không mang tính giáo huấn hay đại loại như một cuốn giáo trình về
phong cách sống. Một cách nhẹ nhàng và ý nhị bằng lối văn kể chuyện, tác giả đã
thổi vào tâm hồn các bạn trẻ một luồng gió mới, đó là những nhận định về tương
thật rõ ràng và khách quan, đó là những chuẩn bị cần thiết như một người cha
dặn dò đứa con mình trước một cuộc hành trình đầy sóng gió nhưng cũng lắm cam
go, đôi lúc lại nhẹ nhàng tình cảm như một người mẹ khuyên con gái trước ngày
vu qui.
Những điểm nhấn trong sách đôi khi vượt quá sự cảm nhận cuộc sống của các bạn
trẻ vì nó rất mạnh, nhưng đó chính là những điều mà tác giả đã đánh dấu trong
cuốn cẩm nang của mình, đó chính là cái chìa khóa cho cánh cửa của thành công
và hạnh phúc, nếu có thể gọi tên nó như vậy.
Tôi thích cách mà tác giả đặt tên cho từng phần cuốn sách, lúc như nhắc nhở,
khi lại như răn đe, xen lẫn động viên và thúc dục. Hãy xem những chủ đề như:
Hãy nhìn lại mình / Xây dựng thương hiệu cá nhân / Nghĩ đến những chiến thắng
nhỏ / Chuẩn bị tốt để thành công…. Hoặc đôi lúc tác giả tìm cách gọi tên sự
việc khác đi như lối chúng ta vẫn nghĩ về nó, như: Bạn nên ngẩng cao đầu / Ta
bình đẳng trong mọi quan hệ / Bước đi trên một tinh cầu xoay / Vận động là tồn
tại / Hãy quan sát / Thấy mình đang lái con thuyền mình…
“Thứ bạn cầm trên tay không phải là một thứ bình thường trong hành trang, nó
chính là cái la bàn cho tương lai, cho nghề nghiệp của bạn…bạn nghĩ mình có thể
lên đường mà thiếu nó chăng?!” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt (ĐH Kinh tế TPHCM)
đã viết về “Hành trang vào đời” như vậy.
Mong muốn bạn đọc sau khi đọc cuốn sách sẽ có được
hành trang cần thiết để bước vào đời. Chúc các bạn thành công với những sự lựa
chọn của mình.