Vừa qua, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã cập nhật vào kho tàng - kệ sách của mình tiểu thuyết “Mùa Hè giá buốt” của tác giả Văn Lê. Đây là tác phẩm đạt Giải Nhất - Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (2006 - 2011). Qua lời giới thiệu Tác phẩm của Hội đồng chấm Giải, qua những thông tin đã tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những tác phẩm có ý nghĩa lịch sử, khơi gợi những suy ngẫm về lý tưởng, về chiến tranh và hòa bình; gợi nhớ khí thế cách mạng của một thời kỳ chống xâm lược đầy hào hùng; là tinh thần quả cảm, phẩm chất anh hùng, sức mạnh tình yêu được nảy sinh và nuôi dưỡng trong thời kháng chiến gian khổ… tất cả luôn luôn cháy sáng và không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc. Chúng tôi xin phép được giới thiệu đôi nét về tác giả và tác phẩm để bạn đọc quan tâm tiếp nhận.

 

(Tác phẩm đạt Giải Nhất - Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh)

 

Vài nét về tác giả


        Văn Lê nhập ngũ tháng 9/1966, vào chiến trường B2 tháng 9/1967 phục vụ tại Cục Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Miền. Tháng 10/1974 về làm phóng viên Tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng, đến tháng 11/1976 chuyển sang biên tập viên tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam. Tháng 12/1977 ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng và nghỉ hưu vào năm 2010. Ông là Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh.

        Văn Lê thể hiện tài năng đa dạng ở nhiều lĩnh vực, xuất thân từ nhà thơ nhưng sau đó ông chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim và mỗi lĩnh vực đều có thành tựu. Thơ ca và văn chương trong tác phẩm của Văn Lê phần lớn xoay quanh thân phận con người trong chiến tranh. Trong đó nhiều tác phẩm văn chương của ông đã để lại những ấn tượng sâu đậm cho độc giả và gặt hái không ít giải thưởng. Hiện nay, một số tác phẩm của ông đã được giới thiệu và dịch ra một số nước trên thế giới…

 

 

Giải thưởng văn học

· Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975 - 1976).

· Giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009 - 2014) cho tiểu thuyết "Phượng hoàng".

· Giải A thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Phải lòng" năm 1994.

· Giải B (Không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004 - 2009); Giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh 5 năm (2006 - 2011) cho tiểu thuyết "Mùa hè giá buốt".

· Giải B thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1984.

· Tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng với tiểu thuyết "Nếu anh còn được sống" năm 1994.

· Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học quốc tế Me Kong 2006 cho tập trường ca "Những cánh đồng dưới lửa ".

Giải thưởng điện ảnh

· 03 lần đạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất,

· 01 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất,

· Giải nhất về tác giả kịch bản của Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phim truyện "Long Thành cầm giả ca". Bộ phim được nhận giải nhất Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm 2012.

· 01 giải Bông Sen Vàng,

· 05 Bông Sen Bạc,

· 02 Cánh Diều Vàng.

· 01 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản.

  Và nhiều giải thưởng cao về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.

 

 

Vài nét về tác phẩm

        Sự kiện lịch sử Mậu Thân 1968 - Cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến dịch diễn ra trên hầu hết các đô thị tại miền Nam, đánh vào những khu vực trọng yếu của quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa, cuộc chiến để xóa ranh giới vĩ tuyến 17… Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam.

        Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử quan trọng, gần gũi với những nhân vật, những tướng lĩnh trong cuộc và với trái tim ấm nóng của người đương thời, của một nhà văn, một nghệ sĩ nên Văn Lê có nhiều thuận lợi trong việc tái hiện sự kiện lịch sử hùng tráng này trong “Mùa Hè giá buốt”.

        “Mùa Hè giá buốt”khắc họa hình ảnh, diễn tiến của tiểu đoàn bộ binh 505 trong chiến dịch Mậu Thân. Sau những trận đánh ác liệt, tiểu đoàn rút ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng. Trong bối cảnh bom đạn, mối tình đằm thắm của tiểu đoàn trưởng với cô du kích dẫn đường diễn ra hơn 100 ngày chiến sự ác liệt ở vùng ven thành phố. Xuyên suốt tác phẩm là sự khốc liệt của cuộc chiến tranh. Cuốn sách dẫn dắt người đọc từ trận đánh này đến trận đánh khác. Những trận đánh dũng cảm mưu trí, giành thắng lợi ngay cả khi địch hơn ta nhiều lần cả về quân số lẫn trang thiết bị chiến tranh. Những người lính đã chiến thắng bằng thứ vũ khí mạnh nhất đó chính là “con người”. Máu đổ xuống nhưng lý tưởng vẫn cao ngút. “Mùa Hè giá buốt” đã làm sống lại một thời kì oai hùng, vẻ vang của cả dân tộc…

        Khi đọc cuốn sách này chúng ta không khỏi xúc động. Xúc động vì sự hồn nhiên và dũng cảm của các chàng trai trong tiểu đoàn Bến Nghé, từ đại đội trưởng Quách Cường thẳng tính bộc trực, chàng trai Lê Đức Thịnh thông minh lém lỉnh tới tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt tài năng mà quảng đại, bác ái. Những trận chiến của tiểu đoàn vừa dũng mãnh vừa thảm khốc mà đỉnh cao là cuộc tổng tấn công Mậu Thân…

        Tác phẩm đã khắc họa lại thời kỳ chiến sự hết sức nóng bỏng, khắc ghi lại một thế hệ luôn mang trong mình lí tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; với khí thể hào hùng của một thời: “Đã hay đâu cũng say tiền tuyến/ Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường/ Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”… “Mùa Hè giá buốt” không chỉ lật lại từng trang sử khốc liệt và đầy oai hùng, mà còn cho người đọc biết được những lý tưởng, tình cảm và chuyện tình lãng mạn của người lính nơi chiến trận...

 


 

        Trong các tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết, khai thác đề tài chiến tranh, dường như, đằng sau những con chữ phục vụ cho trường thị giác, đều ẩn chứa âm hưởng của một giai điệu bí ẩn nào đó. Hào sảng, kiêu hãnh như: Xung kích, (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Vượt Côn Đảo (Phùng Quán), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi). Hoặc âm trầm, bi thiết như Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Trong “Mùa Hè giá buốt” giữa tiếng nổ rách trời của bom đạn, tiếng thét “xung phong” dũng mãnh của người lính xông lên giết giặc… nếu bám sát hành trình 564 trang của Văn Lê mới thấy dụng ý nghệ thuật của tác giả khi cho tác phẩm của mình mở đầu với bi điệu đầy xót xa trắc ẩn, thay vì cho những âm hưởng tráng ca, tưng bừng, hào sảng, thường thấy ở các tác phẩm sử thi.

 

(Nhà văn Văn Lê (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng đội thời kháng chiến)

 

        Nhà phê bình Lê Thành Nghị viết: “Những trang tiểu thuyết của Văn Lê đầy tràn hiện thực chiến tranh. Có thể nói Văn Lê rất có khả năng miêu tả những khung cảnh chiến tranh. Không một cuộc đụng độ nào giống với cuộc đụng độ nào trong một không gian khá quen thuộc của vùng ven… Trong số không nhiều những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh sau chiến tranh gây được sự chú ý của người đọc, như Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức… chúng ta có thêm Mùa hè giá buốt của Văn Lê. Những cố gắng của anh chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của người đọc”.

 

 

        Từ những ý nghĩa đã nêu trên, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm "Mùa Hè giá buốt” của tác giả Văn Lê, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành năm 2012. Kí hiệu sách: XH.035556. VL .4331m/12, tại Phòng đọc Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn - Thư viện Nguyễn Thúc Hào. ( Bài viết có sử dụng một số hình ảnh và thông tin từ các trang:vannghequandoi.com.vn; wikipedia.org; vanhocsaigon.com; sachhay.org ).

 

(Cao Thủy & Hải Yến - Thư viện NTH)