Vừa qua, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã bổ sung thêm hai đầu sách “Nợ nước non” và “Lênh đênh bốn biển” vào kho sách của mình. Đây là hai tập đầu trong bộ tiểu thuyết ba tập mang tên “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

 

 

        Bộ sách viết về nhân vật lịch sử - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba tập sách khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ba giai đoạn quan trọng của Người: Tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên (1890 - 1911); Ba mươi năm Người “đi tìm hình của nước” (1911 - 1941); Những năm tháng Người về nước cùng nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do (1941 - 1969). Tập một và tập hai của bộ sách được phát hành từ tháng 8/2023 và đã được bổ sung vào kho sách của Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào nhân dịp chào mừng 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và kỉ niệm 113 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước của Người (11/6/1911 - 11/6/2024).

        Để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử, một con người như Hồ Chí Minh quả là một thách thức lớn, bởi trước đó đã có nhiều nhà văn viết về Bác, hơn nữa Bác được nhân dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung dành cho Người một tình yêu hết sức to lớn. Vì vậy, bạn đọc sẽ có sự so sánh, “soi xét” nhân vật dựa trên rất nhiều cứ liệu, nhiều lí do và nhiều thái độ. Và, bởi đây là tiểu thuyết, nhà văn phải sáng tạo ra một đời sống chi tiết của nhân vật mà hầu như chúng ta, kể cả các nhà sử học không có đủ tư liệu cần thiết để dựa vào. Thế nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được thách thức đó. Tuy viết về vĩ nhân nhưng nhà văn đã không kỳ bí hóa hay thần thánh hóa nhân vật. Ông đã dựng nên một con người Hồ Chí Minh rất mộc mạc, gần gũi, giản dị từ khi là cậu bé Cung cho đến khi là vị lãnh tụ Hồ Chí Minh

 

 

Tập 1 “Nợ nước non” có dung lượng 297 trang, gồm 4 chương: Làng Chùa; Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy; Trở lại kinh thành; Cho chuyến đi xa.

        Chương 1, Làng Chùa: Nhà văn đã phác họa thành công đời sống xã hội đất nước ta ở quê hương xứ Nghệ nơi cậu bé Cung sinh ra và ở kinh thành Huế nơi cậu bé Cung cùng Mẹ và anh Khiêm theo Cha vào dạy học. Bên cạnh những câu chuyện về thời niên thiếu của Bác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn mô tả một cách khái quát về gia đình, cuộc đời của ông bà nội ngoại của Bác; Về hoàn cảnh, tuổi thơ, tình yêu của 2 đấng sinh thành; Về tình yêu nước và sự chính trực của cha Bác - cụ Nguyễn Sinh Sắc và sự thông minh, tần tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh của mẹ Bác - bà Hoàng Thị Loan; Về sự sáng dạ, hiểu chuyện của hai người anh chị của Bác - bà Thanh và ông cả Khiêm, hay sự bất hạnh, đáng thương của người em trai của Bác - bé Xin và sự ra đi của bà Hoàng Thị Loan…

        Chương 2 "Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy" bắt đầu khi cậu bé Cung trở lại quê nhà sau cái chết của mẹ và em. Thời gian này, cậu bé Cung đã được gặp gỡ, tiếp xúc với những người bạn của cha mình - những nhà yêu nước như: thầy giáo Vương Thúc Quý, Phan Bội Châu, Lê Văn Miến…từ đó đã giúp cậu bé Cung trưởng thành và sâu sắc hơn trong suy nghĩ, hun đúc tinh thần, tư tưởng, ý chí, mở mang kiến thức thế sự và bắt đầu hình thành những trăn trở lớn về thời cuộc…

        Chương 3 “Trở lại kinh thành”: Cậu bé Cung bây giờ đã là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Năm 1906 Nguyễn Tất Thành và anh Đạt theo cha vào Huế nhậm chức. Thời kì này, triều đình Huế có nhiều biến động. Nhiều phong trào yêu nước diễn ra như: Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du, Duy Tân do những nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… lĩnh xướng đã thu hút đông đảo thanh niên trí thức, con cái các quan lại cấp tiến tham gia. Lúc này, Nguyễn Tất Thành đã nằm trong tầm ngắm của mật thám Pháp vì anh đã tham gia cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Đây cũng là thời gian chín muồi về nhận thức tư duy yêu nước của Nguyễn Tất Thành trong thực tiễn và hành động…

        Chương 4 “Cho chuyến đi xa” là giai đoạn chuẩn bị của chàng trai Nguyễn Tất Thành khi rời Sài Gòn bắt đầu hành trình bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) từ quan. Nguyễn Tất Thành và cha phải xa nhau. Nguyễn Tất Thành đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người; Chứng kiến sự thất bại của các phong trào đấu tranh trong nhân dân; Chứng kiến sự khổ đau, nghèo đói, bất công của nhân dân khắp nơi. Những ấp ủ, suy nghĩ, nung nấu bấy lâu trong lòng còn chưa thật rõ ràng thì nay đã hiển hiện cụ thể trong tâm trí chàng thanh niên: PHẢI RA ĐI. Ba chữ ấy như chiếc đinh ghim chặt vào tâm trí của Anh. Cùng với lời dạy của cha: “Nước mất không lo tìm nước, tìm cha phỏng có ích gì” đã trở thành cú huých để Nguyễn Tất Thành quyết định lên con tàu Amiral Latouche Tréville với cái tên Văn Ba, bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.

 

 

Tập 2 của bộ tiểu thuyết mang tên "Lênh đênh bốn biển" gồm 9 chương với 290 trang. Ở tập này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tái hiện hành trình bôn ba khắp các nước Pháp, Anh, Liên Xô, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… của chàng thanh niên Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc với hai bàn tay trắng, trải qua muôn trùng sóng gió nguy nan (đói rét, ốm đau, lao lực, bị theo dõi, bị truy nã, tù đày…). Trong cuộc hành trình ấy, Người đã tìm thấy con đường đi, con đường cứu nước cho dân tộc - đó là con đường cách mạng vô sản khi Người bắt gặp “Luận cương Lê Nin”.

        Trong thời gian ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động nhưng hoạt động nổi bật nhất, để lại dấu ấn và thu hút được sự chú ý của các thành viên trong Quốc tế vô sản và đông đảo nhân dân các nước thuộc địa nhất phải kể đến Sự kiện Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Hòa bình Versaille vào năm 1919 và việc Nguyễn Ái Quốc là người châu Á duy nhất trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Quãng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc kết nối liên lạc với những người An Nam yêu nước ở trong và ngoài nước; Nắm bắt tình hình trong nước; Trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng lí luận cách mạng cho thanh niên An Nam yêu nước ở Trung Quốc; Gửi các thanh niên ưu tú sang Liên Xô học tập, sau đó đưa về nước hoạt động cách mạng. Đặc biệt, vào 03/2/1930 Người Chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị vững chắc cho lần về Tổ quốc năm 1941 của Người sau 30 năm dài đằng đẵng. Ngày đi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, ngày về đã là Ông “Cuối cùng thì Ông cũng đã trở về. Trở về để cùng hàng triệu đồng bào tìm lại nền độc lập cho đất nước này…Con đường cách mạng phía trước còn rất dài và rất nhiều chông gai, ghềnh thác, nhưng nhất định Ông sẽ cùng với đồng chí, đồng bào mình đi tới đích”. Kết thúc một chuyến đi mà có lẽ ngay bản thân Ông cũng không nghĩ là nó dài đến thế: “Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bay giờ mới đến nơi”…

 

        Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc hai tập đầu “Nợ nước non” và “Lênh đênh bốn biển” của bộ tiểu thuyết 3 tập (sách được xếp giá tại kho sách Khoa học - Xã hội, Tầng 3). Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục cập nhật, bổ sung tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” để giới thiệu đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

(Bài: Dương Nga - Tuấn Minh Thư viện NTH)