Bạn cùng lớp với Tướng Giáp thời niên thiếu Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, sinh ngày 6/8/1912 tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một dòng họ khoa bảng. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, Cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đỗ Phó bảng năm 1907, triều Thành Thái. Nam Đàn có đền thờ Mai Hắc Đế dưới chân rú Đụn, có thị trấn Sa Nam nhộn nhịp, đông vui: Sa Nam trên chợ dưới đò Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên... Thời hiện đại, mảnh đất núi cao sông rộng ấy đã sinh ra hai bậc vĩ nhân: Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Năm 1924, 12 tuổi, Nguyễn Thúc Hào thi đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế, cùng người bạn thân Võ Nguyên Giáp. Về sự việc này, sinh thời, có lần GS Hào kể với tôi: - Khi thi vào Trường Quốc học Huế, tôi đỗ đầu, anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Nhưng, khi vào học, thì anh Giáp đứng đầu lớp, tôi đứng thứ hai. Anh Giáp “học tài” hơn tôi. “Học tài, thi phận” mà... Trong một thiên hồi ký, GS Tạ Quang Bửu kể: “Tôi và anh Hào là người đồng hương Nam Đàn. Năm học 1923-1924, tôi lên lớp đệ tam ở Trường Quốc học Huế. Cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, thân sinh anh Hào, cho tôi ở nhờ nhà cụ để đi học gần trường hơn. Cụ là nhà khoa bảng, tính tình rất ngăn nắp, thu xếp cho anh Hào học rất chu đáo.” Năm 1925, anh Hào chuyển ra Hà Nội, vào học Trường Albert Sarraut. Năm 1929, anh sang Pháp, thi đỗ tú tài toán tại Aix-en-Provence. Theo học Đại học Khoa học Marseille, sau 4 năm (1931 - 1935), anh thi lấy 6 chứng chỉ: toán học đại cương, giải tích toán học, vật lý đại cương, cơ học lý thuyết, cơ học chất lỏng, và thiên văn học (chỉ cần 3 chứng chỉ là đỗ cử nhân). Ngoài ra, anh còn viết xong luận văn DEA - nay gọi là thạc sĩ - về một đề tài liên quan đến hình học và cơ học. Cho đến lúc bấy giờ, Nguyễn Thúc Hào là người có bằng cấp cao nhất về khoa học cơ bản ở Đông Dương. 23 tuổi, trở về cố đô, thầy Hào dạy toán tại Trường Quốc học Huế. Sau Cách mạng, thầy vừa dạy toán, vừa giữ thêm chức Giám đốc Trung học vụ Trung Bộ, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Học chính của Bộ Quốc gia Giáo dục. Một lần ra Hà Nội họp Hội đồng, GS Hào được một người bạn cũ - lúc bấy giờ cũng là Ủy viên Hội đồng - mời về nhà chơi. Trong bữa cơm tối, hai người ôn lại những kỷ niệm xưa bên núi Ngự, sông Hương. Người bạn cùng lớp năm xưa ấy, nay là Giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chủ tịch Quân sự Ủy viên Hội... Tình hình Hà Nội trở nên rất căng thẳng khi quân Pháp kéo vào. Bà Hoàng Thị Nga, Tiến sĩ vật lý, Giám đốc Đại học Khoa học Hà Nội, xin sang Pháp “định cư vì việc riêng”. GS Nguyễn Thúc Hào được cử làm Quyền Giám đốc. Ông sắp xếp lại tổ chức, ổn định tư tưởng cho sinh viên, rồi mời thầy đến dạy. Nhiều nhà khoa học quen biết nhận lời: Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum dạy vật lý; Hoàng Xuân Hãn dạy toán… Lớp toán học bậc đại học duy nhất thời chống Pháp Đêm 19/12/1946, đèn Hà Nội vụt tắt. Cuốc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo chỉ thị của cấp trên, GS Hào tạm lánh về quê. Tháng 2/1947, nhận được công văn của Bộ: Cần mở ngay lớp Toán học đại cương! Thế là, chỉ hai tháng sau khi cả nước đứng lên đánh trả bọn xâm lược, ở một làng quê Nam Đàn (Nghệ An), lớp Toán học đại cương khóa I khai giảng trong một gian nhà gạch bên dòng Lam trong biếc. Sinh viên chỉ có 5 người. Cũng vào thời điểm ấy, GS Nguyễn Xiển mở một lớp Toán học đại cương khác ở Đại Điền (Vĩnh Yên), có 10 sinh viên. Tháng 10/1947, quân Pháp tiến công lên, lớp này đình giảng. Ở Nam Đàn, đến các khóa II, III, IV, lớp Toán học đại cương chuyển lên gần làng Đan Nhiễm, quê hương cụ Phan Bội Châu. Số sinh viên lên tới 20 người, học trong ngôi nhà thờ họ ba gian hai chái của ông Chắt Cừ, không xa núi Ghềnh nhiều hoa sim tím. Để khỏi lộ địa điểm lớp học, GS Hào liên lạc với Bộ qua địa chỉ bí mật: Ông Nguyễn Tứ Đức, bưu cục Nam Đàn, Nghệ An. - Tại sao tôi lại tự đặt cho mình cái bí danh Nguyễn Tứ Đức? - GS Hào kể. Cha tôi là một nhà nho đỗ đại khoa, cho nên chúng tôi đều được dạy bảo từ thuở bé rằng tứ đức của con trai là hiếu, đễ, trung, tín; còn tứ đức của con gái là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên, hai chữ Tứ Đức mà tôi chọn làm bí danh không phải là thứ tứ đức quen thuộc ở chốn “cửa Khổng, sân Trình”, mà là cần, kiệm, liêm, chính. Đức độ của Bác Hồ đã cảm hóa tôi... Một anh tú tài từng học thầy Hào tại Trường Quốc học Huế, nay dạy Trường trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi, không thể vượt Trường Sơn ra Nghệ An, thụ giáo thầy. Anh biên thư xin thầy tài liệu để tự học. Nghe đâu anh là cháu nội cụ Phó bảng Hoàng Diệu, vị Tổng đốc Hà Ninh đã tuẫn tiết bên cửa thành thất thủ hồi thế kỷ 19. Đến cuối khóa, anh xin dự kỳ thi tốt nghiệp… từ xa! Và anh đã đỗ. Về sau, anh trở thành một nhà toán học nổi tiếng thế giới, được coi là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”: Hoàng Tụy. Số sinh viên toán học đại cương ngày ấy không nhiều. Nhưng đó đều là những con người được “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nên về sau hầu hết trở thành những nhà khoa học, nhà trí thức có tiếng như: Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Hoàng Phương, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Cung, Hà Văn Mạo, Nguyễn Hữu Chỉnh, Đinh Ngọc Lân, Trịnh Ngọc Thái, Lê Hải Châu, Lê Thạc Cán, Nguyễn Mậu Tùng, Cung Quang Chương, Đinh Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Sóc, Nguyễn Trọng Di... Trải bao “dâu bể” vẫn tận tụy với nghề Từ năm 1951 đến 1954, Trường Dự bị đại học, rồi Trường Sư phạm cao cấp mở tại Thanh Hóa. GS Nguyễn Thúc Hào được Bộ cử vào Ban Giám đốc cùng các vị Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền bắc. GS Nguyễn Thúc Hào trở về Hà Nội, cùng GS Lê Văn Thiêm dạy toán tại Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Rồi ông được cử làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Các anh Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Hữu Đường, Phan Đức Chính, Văn Như Cương, Đoàn Quỳnh, Nguyễn Văn Ba,… được học toán thầy Hào vào dạo ấy. Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh giáo sư đại học. Tận tụy với nghề, GS Hào biên soạn nhiều bộ giáo trình: Hình học giải tích, Hình học vi phân, Giải tích, Hình học vectơ, Hình học tuyến tính. Trong nhiều năm liền, ông còn dịch sang tiếng Việt 14 cuốn sách toán từ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, thí dụ: Giải tích tenxơ và hình học Riemann của Rashevsky, Cơ sở lý thuyết mặt của Kagan (từ tiếng Nga); Không gian, thời gian, vật chất của H. Weyl, Toán Ricci của J. A. Schouten (từ tiếng Anh); Không gian liên thông xạ ảnh của Élie Cartan, Xác suất và ứng dụng của H. Cramer, Thuyết tương đối và điện động lực học của A. Lichnerowicz (từ tiếng Pháp)...

Người khai sinh Trường đại học Vinh Năm 1959, GS Nguyễn Thúc Hào được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Vinh (tiền thân của Trường đại học Vinh ngày nay). Đây là trường đại học đầu tiên trên miền bắc mở tại một “tỉnh lẻ”. Từ tháng 8/1964, Vinh - Bến Thủy bị Mỹ giội bom hủy diệt. Trong vòng 18 tháng, 4 lần trường di chuyển: Từ Vinh ra Nghi Lộc, lên Thanh Chương (Nghệ An); rồi từ Thanh Chương ra tận Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hóa). Hàng nghìn sinh viên, cán bộ dắt díu theo hàng trăm cháu bé, vận chuyển mấy vạn cuốn sách, mấy trăm tấn thiết bị, “hành quân” an toàn qua hơn 300 kilomet, vượt nhiều “trọng điểm” bị địch đánh phá ngày đêm... Thầy Hiệu trưởng, tuổi ngót lục tuần, vẫn trèo đèo, lội suối đến từng khoa cách xa hiệu bộ cả chục kilomet, lo toan cho từng cái lán học, căn hầm trú ẩn, gian bếp ăn với gạo, mì, mắm, muối… Bận rộn thế, nhưng thầy vẫn dành thời gian bồi dưỡng toán chuyên đề cho các đồng nghiệp trẻ; nhiều người về sau trở thành giáo sư, tiến sĩ. Vợ con thầy sống kham khổ như mọi người, cũng ăn cơm độn sắn, độn khoai, cũng tự mình đào hầm tránh bom. Thầy xắn quần lội bùn đến lớp, băng rừng tới dự những đêm liên hoan văn nghệ của sinh viên. Biết bao công việc âm thầm ở “tỉnh lẻ”, chẳng được báo, đài trung ương “ngó ngàng” tới để phản ánh, biểu dương... Thầy Hào sống như một “ẩn sĩ chốn thâm sơn cùng cốc”. Chỉ còn một nét tài hoa kinh kỳ mà đêm đêm người dân miền sơn cước Thạch Thành vẫn còn cảm nhận được, đó là tiếng đàn violin réo rắt nhạc Mozart, Beethoven - “ngón đàn” mà thầy đã học được từ thuở trẻ mộng mơ giữa Paris hoa lệ... Sau 7 năm sơ tán, trường lại trở về Vinh. Nhưng, cay đắng thay, cơ ngơi bao năm đổ mồ hôi xây đắp đã bị máy bay Mỹ giội bom phá đổ tan tành! Phải làm lại từ đầu!… Năm 1976, thầy Hào về hưu, chuyển ra Hà Nội, sống cùng các con. GS, TSKH Phan Đình Diệu viết bài thơ Mừng Thầy kính tặng thầy Hào năm thầy thọ 70: Một tấm gương trong giữ vẹn tròn Sá bao công lội suối trèo non Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng Lòng vẫn son, bền chí sắt son Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn Giờ vui mây nước, mảnh tình con Đời còn sương bụi bao mờ tỏ Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào qua đời ngày 10/6/2009, thọ 97 tuổi, trong nỗi tiếc thương vô hạn của hàng vạn học trò gần xa.