Tác giả Kẩm Nhung, một cái tên khá ấn tượng, hiện cô đang sống cùng chồng và con gái nhỏ tên Xoài ở Chicago, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Minnesota, cô làm việc tại một công ty tư vấn thương hiệu cho các trường đại học và tổ chức giáo dục.

Mang thai và sinh con trong thời gian ở Mỹ, Kẩm Nhung đã quan sát tỉ mỉ những nét ưu việt trong cách người Mỹ nuôi dạy con nhỏ.

Các bài viết về cách người Mỹ cho con ăn, dạy con ngủ của cô  được bạn đọc rất quan tâm và bàn tán sôi nổi. Nhận thấy tầm hữu ích lớn của đề tài này với độc giả, cô đã quyết định viết Con là khách quý, tổng hợp lại các quan sát và suy nghĩ của mình về cách người Mỹ chăm con

Con là khách quý ”là một cuốn sách hấp dẫn và bổ ích, nhất là những thông tin về chăm sóc sức khỏe hay ăn uống cho bé. Tôi nghĩ đây sẽ là một cuốn sách dạy con có ích cho các bậc phụ huynh, và nhất là cho các ông bà nội ngoại của các em bé. Trên hết, cuốn sách sẽ rất cần cho các bác sỹ nhi khoa (và cả sản khoa) ở Việt Nam đọc để thay đổi cách suy nghĩ và tư vấn cho các ông bố bà mẹ ở Việt Nam”.

Bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Victoria T.P. Hồ Chí Minh, một vị bác sĩ uy tín được vô số ông bố bà mẹ hâm mộ đã nhận xét như vậy về cuốn sách của Kẩm Nhung. Giữa vô vàn những sách dịch về cách nuôi dạy con tại một số nước tiên tiến, Con là khách quý thuộc hàng hiếm hoi những cuốn sách được viết dưới góc nhìn của bà mẹ Việt, bởi vậy tính gần gũi và ứng dụng rất cao là ưu điểm nổi trội không thể bác bỏ của cuốn sách này.

Bìa cuốn sách Con là khách quý.

Mở đầu sách, Kẩm Nhung kể với độc giả một câu chuyện giản dị về một người đàn ông đang thổi quả bóng thật to cho bé gái váy hồng và một cậu bé bên cạnh loi choi nhảy lên tranh. Từ tốn, nhẫn nại nhưng không thỏa hiệp, người đàn ông ấy đã dạy cậu bé biết chờ đợi đến lượt mình, biết rằng con đường tắt dùng tranh cướp để đoạt thứ mình muốn, dù chỉ là một quả bóng nhỏ bé, không phải con đường ta nên theo đuổi.

Bình luận về câu chuyện này, Kẩm Nhung viết: “Tôi ngồi lặng im quan sát mà như thấy thời gian thong dong trôi trước mắt. Vì người đàn ông này đã không tìm đường tắt: Ông không quay sang ‘ra lệnh’ cho cậu bé ‘Đợi đến lượt đã!’ Không giận dữ vì cậu bé không nghe lời. Không thổi đại một quả bóng cho Felix trước cho xong chuyện. Ông cứ đi theo một con đường đã định, nhắc nhở cậu bé, thông cảm với mong muốn của cậu bé, nhưng vẫn kiên định nhắc cậu bé đợi, rồi khen ngợi khi cậu bé ngoan. Tôi không biết người đàn ông này là ai.

Đây chỉ một người đàn ông hết sức bình thường, đang chơi với mấy đứa nhỏ trong công viên, một người đàn ông tôi không biết tên, không biết nghề nghiệp, không biết là bố của Carrie hay của Felix. Nhưng cách ông ta xử lý tình huống với hai đứa trẻ diễn ra trước mắt tôi, đẹp như một đoạn phim tài liệu về cách nuôi dạy trẻ .” Đầy ắp cuốn sách là những câu chuyện như thế, những câu chuyện mà Kẩm Nhung đã quan sát, đã tỉ mẩn ghi chép lại trên đất Mỹ.

Nhưng Kẩm Nhung không đơn thuần chỉ là một người kể chuyện, và dù những câu chuyện trong sách rất thú vị, hàm chứa những bài học sâu sắc, chúng vẫn chỉ là một phần điểm tô thêm cho cuốn sách. Để hoàn thành cuốn sách hơn ba trăm trang này, Kẩm Nhung đã thực hiện một công trình kéo dài suốt mấy năm của riêng mình. Cô đã tìm tòi, nghiên cứu và lao động cật lực.

 Với mười chương: Mang bầu, Chăm sóc trẻ, Cho con ăn, Dạy con ngủ, Dạy con tự nhiên, Dạy con tự lập, Dạy con kỷ luật, Đứa trẻ hoàn hảo không tồn tại hay đứa trẻ hoàn hảo chính là con bạn, Người mẹ hoàn hảo không tồn tại hay người mẹ hoàn hảo chính là bạn, Học từ các bà mẹ khắp nơi trên thế giới, Kẩm Nhung đã xử lý gần như bao quát toàn bộ hành trình làm mẹ của người phụ nữ từ khi mang bầu cho tới sinh nở, chăm sóc con và dạy dỗ con nên người.

Cuốn sách rất Tây ở cách tư duy lôgic, xử lý toàn diện các khía cạnh của vấn đề, không thiên kiến, không áp đặt chủ quan, không vội vã kết luận dựa trên quan sát bề ngoài. Những kiến thức cô nêu ra trong sách đều được tham khảo kỹ lưỡng các nguồn tài liệu uy tín cũng như ý kiến của các chuyên gia, chẳng hạn như kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho trẻ đã được bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn thẩm định.

Ngoài những vấn đề quen thuộc như việc rèn con tự ăn, tự ngủ và tự lập, Kẩm Nhung còn giới thiệu những kiến thức mới mẻ và khá “lạ tai” với các ông bố bà mẹ Việt Nam. Trong khi chúng ta luôn cố gắng giáo dục nên những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, không đòi hỏi thì Kẩm Nhung lại nghĩ ngược lại. Cô lập luận rằng: “Nhưng trước hết, hãy nhìn lại chính người lớn chúng ta. Một trong những kĩ năng khó nhất trong cuộc sống là kĩ năng thương lượng, hay nói cách khác là ‘đạt được cái ta muốn thông qua trao đổi, thương lượng’.

Với tư cách một cá nhân, từ việc đi mua nhà, mua ô tô, đến đàm phán lương, đều cần kĩ năng sống còn này. Với tư cách doanh nghiệp, việc đàm phán mua hàng, bán hàng... đều cần khả năng thương lượng để đạt được lợi ích mong muốn. Nhưng người lớn chúng ta được bao nhiêu người có thể tự tin nói rằng mình giỏi kĩ năng này? Người lớn thường đấu tranh rất nhiều trước khi mở miệng ra ‘đàm phán’, và nếu có bị từ chối thì chúng ta nhanh chóng chấp nhận lời từ chối đó. Đặc biệt, phụ nữ được coi là những người dễ hài lòng với những gì mình có và hiếm khi dám đòi hỏi thêm, mặc dù người phụ nữ đó biết cái đó xứng đáng thuộc về mình. Phụ nữ thường chỉ cố gắng ‘cho đi’, và ngồi đợi người khác ‘tặng lại cho mình.

Chính vì vậy, thay vì dạy con biết ngoan, không đòi hỏi khi con còn nhỏ, chúng ta nên tạo môi trường để trẻ trau dồi kĩ năng sống còn này ngay từ nhỏ, đặc biệt các bé gái càng cần được tạo điều kiện hơn nữa.” Tất nhiên mọi việc đều có giới hạn rất mong manh của nó. Tác giả cuốn sách không quên giới thiệu với chúng ta sự khác biệt lớn giữa “một đứa trẻ mè nheo đòi hỏi” và “một đứa trẻ có khả năng thương lượng tuyệt vời” cũng như cách thức để giáo dục nên đứa trẻ thứ hai.

 

 

Chia sẻ nhưng không áp đặt, Kẩm Nhung đã kết cuốn sách của mình bằng những lời rất chân thành: “Nếu bạn thấy một số điều trong cuốn sách này phù hợp với suy nghĩ của bạn về cách nuôi con, hãy áp dụng nó. Không phải vì nó là cách Mỹ, cách Tây... mà đơn giản vì nó là câu trả lời mà bạn vẫn tự tìm trong trái tim mình".

Với lối viết giản dị, tự nhiên, không màu mè hoa mỹ nhưng đầy ắp thông tin và ứng dụng thực tế, cuốn sách chắc chắn sẽ là một cẩm nang rất hữu ích cho những ông bố, bà mẹ và cả những người sắp trở thành bố mẹ.

Những nhận định về cuốn sách con là khách quý

Th.S Tâm lý học Đinh Đoàn, Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội

“Được viết bằng sự quan sát, suy nghĩ và cả trái tim của một bà mẹ trẻ Việt Nam đang sống, sinh con và nuôi con trên nước Mỹ, Con là khách quý đem đến nhiều cái nhìn mới mẻ với những vấn đề không mới, vốn rất đơn giản hằng ngày đối với một gia đình -  từ việc cho con ăn, cho con ngủ, đến việc thể hiện yêu thương, dạy con cách tự lập và cả những vấn đề tâm lý mà  có lẽ hầu hết các bà mẹ đọc đều gặp thấy mình phần nào trong đó.”

Chị Gấm Hương, mẹ bé Dứa, Hà Nội

“Là một cuốn sách rất đáng tham khảo dành cho các ông bố bà mẹ Việt của thời hiện đại. Cuốn sách đã tóm tắt  ngắn gọn tinh thần nuôi dạy thế hệ tương lai không chỉ của người Mỹ mà là của người phương Tây nói chung, một cách trung thực và rất tinh tuý. Sách được viết dưới góc nhìn của một người mẹ Việt sống, gặp gỡ, quan sát, học tập và trải nghiệm với các gia đình phương Tây nên cách viết rất gần gũi; thông tin rất thực tế và chi tiết. Mình rất thích.”

Bác sỹ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Victoria, TP Hồ Chí Minh

“Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, cách người Mỹ dạy con không chỉ nằm ở chuyện luyện con ngủ ngoan hay dạy con biết yêu thích việc ăn uống. Mà như một thứ hương hoa phảng phất trong không khí, nó tạo nên một bầu không khí, một môi trường nuôi trẻ mà trong đó, dường như mỗi ông bố bà mẹ tôi gặp lại là một pháp sư, đang đối đãi  với đứa trẻ theo một cách “tu luyện” đứa trẻ thành một cá thể lớn lên tự tin, tự lập, đầy cảm thông, có đủ công cụ để hòa nhập với cuộc sống. Và không chỉ đứa trẻ, mà cả những ông bố bà mẹ đó cũng có thời gian để tận hưởng cuộc sống của chính mình.”

Cuốn sách được viết bằng sự quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ và cả trái tim của một bà mẹ Việt sinh con và đang nuôi dạy con trên đất Mỹ nhưng những vấn đề mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách này lại gần gũi với bất cứ bà mẹ nào ở bất cứ quốc gia nào. Không sa vào những kiến thức hàn lâm khó hiểu, Kẩm Nhung chọn cách viết giản dị, dễ hiểu nhưng đầy tính thuyết phục. Đọc sách của chị có cảm giác như đang nghe một lời tâm sự chân thành từ một người mẹ may mắn được sống và trải nghiệm những nét ưu việt trong cách nuôi dạy con của người Mỹ và giờ đây đang muốn chia sẻ lại những bí quyết đó với các bà mẹ khác.

  Gấp lại trang sách tác giả như muốn gửi gắm thông điệp đến bạn đọc “Yêu con chỉ là bản năng mà muôn loài đều có, nhưng giáo dục con cái thành ‘con người đúng nghĩa’ vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, cần phải học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mới có được. Tình yêu thương không đúng cách, sự hy sinh không đúng nơi, đúng chỗ, nhất là trong giáo dục con cái có khi lại là sự hại con!