Thế hệ trẻ ngày nay, chắc có khá nhiều người như tôi : không ghét lịch sử nhưng cũng không thực sự say mê. Với cái suy nghĩ được coi là không rõ ràng ấy mà tôi đã đọc cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” theo lời giới thiệu của một cô giáo trong tâm trạng không mấy hào hứng. Nhưng khi cầm cuốn sách trong tay, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Khác với những cuốn sách khác, bìa sách không hề lòe loẹt sắc màu mà ngược lại, nó nổi bật bởi chính những hình ảnh giản đơn: súng, đạn, những trang nhật kí được chụp từ bản gốc và bức chân dung người con gái trẻ trên nền bìa xám tối. Rõ ràng, đó là chiến tranh, đó là lịch sử, nhưng tại sao trong thời gian khói lửa mù mịt ấy có biết bao người trẻ tuổi hi sinh không đếm xuể, mà cuốn sách này lại dành riêng cho những trang nhật kí của người con gái có tên Đặng Thùy Trâm? Câu trả lời đã được tìm ngay ở những dòng nhật kí đầu tiên.


Đây là trang bìa của cuốn sách

Cô Thùy (Thùy Trâm) là một bác sĩ trẻ tuổi, sau khi tốt nghiệp trường TH Chu Văn An, đã tiếp tục theo học ở trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm 1966, cô lại xung phong vào Nam phụ trách một bệnh viện huyện ở tận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Dù miền Bắc – nơi cô sinh ra và lớn lên thì: “Niềm vui đang rạng rỡ trên mười sáu triệu khuôn mặt nhưng trong nụ cười mỗi khuôn mặt ấy còn đọng một nét khổ đau.” Và cô cũng hiểu, đó là: “Vì Miền Nam, Miền Nam còn đau thương khói lửa, vì Miền Nam còn nặng những tiếng gầm gào của bầy quỷ dữ”. Đây chính là lí do khiến cô  quyết tâm xa gia đình, xa người thân, xa Hà Nội yêu dấu, xa Miền Bắc thân thương để vào với Miền Nam khốc liệt, với một Miền Nam đang bom lửa từng giờ. Cuộc sống ở Đức Phổ - Quảng Ngãi thiếu thốn tình thương của người thân, nhưng bù lại, cô được đón nhận niềm vui từ nhiều phía khác. Cô vui vì những tình cảm đáng trân trọng mà những người anh em kết nghĩa dành cho cô. Cô vui vì đám học sinh của mình hăng say học tập và tìm tòi suy nghĩ…


Bức chân dung  Đặng Thùy Trâm

 Nhưng, không chỉ có những niềm vui ấy, Đặng Thùy Trâm còn là một người bác sỹ tận tâm với nghề, với bệnh nhân. Tôi cảm nhận được trong từng chữ, từng câu trong từng ngày, dòng nhật ký lúc nào cũng đầy những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt và cả nhiệt huyết sôi sục. Nữ bác sỹ ấy vui cùng niềm vui và đau cùng nỗi đau mà bệnh nhân của mình phải trải qua. Thùy Trâm vui khi bệnh tình của các chiến sĩ cải thiện theo hướng tích cực. Nhưng thật xót xa biết bao khi người bệnh cứ ở trong tình trạng nguy kịch, đau đớn đến vật vã. Đã có lúc phải bó tay trước những ca hiểm nghèo, dù bệnh nhân đã nói với cô rằng: “Thùy đã cố gắng hết sức rồi. Mình không trách Thùy đâu.”, nhưng rồi cô chẳng thể thoát khỏi sự day dứt, tự trách mình đã không làm tốt… Cô ghét và căm giận chiến tranh. Từng ngày, từng người ngã xuống, từng gia đình phải gánh chịu tang tóc, đau thương; trong đó, những người bạn, người anh em của Thùy cũng không ngoại lệ. Cô luôn cho rằng, Mỹ là bọn “uống máu người không tanh”, là lũ đáng tội chết khi gây ra chiến tranh trên mảnh đất Đức Phổ nói riêng và Miền Nam nói chung. Thùy luôn lo lắng và thương cảm với những con người đã đấu tranh không ngừng nghỉ để giành lại tự do; nhưng khi sắp kết thúc  chiến tranh thì lại không được hưởng thành quả của chính mình.


Bức tượng Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ

Cô đã quên bản thân để nghĩ cho mọi người, nghĩ cho những người bạn, những người anh em đang tham gia chiến đấu ở nơi khói lửa; nghĩ cho những gia đình mất đi những đứa con quý báu; nghĩ cho những học trò phải gánh nặng trọng trách trên vai và nghĩ cho cả Miền Nam, cả đất nước Việt Nam bằng một tấm lòng chân thành nhất. Không phải cô không biết sống cho bản thân mình. Cô vẫn có tình yêu riêng của mình, dù mối tình đó không đẹp như cô muốn. Cô mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng dù con đường đi đến cái đích ấy khiến cô khá mệt mỏi. Nhưng cô luôn luôn vui vẻ và bình thản, để có thể cống hiến được nhiều hơn nữa.

Những trang nhật ký là những minh chứng sống động nhất cho nỗi lòng của người con gái Hà Nội cương nghị, thủy chung, trong sáng và thánh thiện như cô. Và chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình : rơi vào tay kẻ địch khi còn đang dang dở nhưng cuối cùng nó lại trở về với gia đình bác sỹ Đặng Thùy Trâm, với Việt Nam – nơi đã nuôi dưỡng và là nấm mồ quê hương của biết bao người anh hùng. Người lính Mỹ đã quyết định giữ lại cả hai cuốn nhật ký, không đốt đi, bởi theo lời của một người lính ngụy – thông dịch viên người Việt trong đơn vị anh ta - thì “ở trong đó có lửa”.


Cuốn nhật kí đã được dịch thành nhiều thứ tiếng trên thế giới

Tôi đã cảm nhận được ngọn lửa ấy cháy hừng hực và không bao giờ tắt. Bạn cũng như tôi, tại sao không một lần thử xem ngọn lửa ấy làm nóng bạn như thế nào? Bạn có muốn cảm nhận sự quyết liệt và cố gắng vươn mình của một bông hoa giữa khói súng nơi chiến trường dữ dội? Bạn có muốn một lần đi tìm câu trả lời về nơi khởi nguồn của cuộc sống bình yên mà chúng ta đang hưởng thụ? Hãy tìm đến thư viện Nguyễn Thúc Hào trường Đại học Vinh và tôi tin bạn sẽ tìm thấy lí tưởng sống cao đẹp cho mình!